banner

Tiểu thuyết " Lời Húa Lúc Bình Minh" Cực Hay Full

Posted by Admin On Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Romain Gary viết Lời hứa lúc bình minh vào năm 1960, lúc ông 44 tuổi. Tiểu thuyết này đã được Jules Dassin chuyển thể thành phim vào năm 1971 và đem lại cho Romain Gary sự nổi tiếng trên toàn thế giới. Có lẽ không quá lời khi cho rằng đây là một câu truyện cổ tích, một câu chuyện cổ tích về tình mẫu tử, một câu chuyện cổ tích về số phận của con người trước sự nghèo khó, cô đơn, một câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu : con người sẽ vượt qua tất cả những khó khăn, vất vả, những cam go thử thách, thậm chí cả cái chết, để bước lên đài vinh quang lộng lẫy nhất. Lời hứa lúc bình minh còn là câu chuyện cổ tích bởi nó là một sáng tác văn học, nó được viết bằng thể loại giả tự truyện với sự kết hợp nhuần nhuyễn, nên thơ giữa tự truyện và hư cấu, giữa tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm cuộc đời.

Lời hứa lúc bình minh
1. Bà tiên Nina

Cái hơi khác so với các câu truyện cổ tích thông thường, đó là nhân vật chính trong Lời hứa lúc bình minh là bà tiên Nina, người mẹ của Romain. Sống “trong cảnh cô đơn, không chồng, không bạn tình” (tr. 19), thường bận quần áo màu xám, Nina là một người mẹ có cá tính, có nghị lực phi thường, một người phụ nữ kiên trì, dũng cảm hiếm có. Cá tính của bà thể hiện trước tiên ở … “năng khiếu chửi”:

“…, mẹ tôi có năng khiếu chửi ở trình độ cao nhất; chỉ với vài từ ngữ có chọn lọc, bản chất thơ mộng và hoài niệm của bà đã tái tạo được một cách tuyệt vời không khí Dưới đáy hay khiêm tốn hơn là Những người chèo thuyền trên sông Volga theo kiểu Gorky.”

Ở bà, chúng ta có thể thấy khả năng biến hoá diệu kỳ trên cõi trần gian nan, cực nhọc. Đối với con mình, bà vừa là người lái đò đưa con đến bờ bến của vinh quang, vừa là một cô giáokhông quản mệt nhọc, vừa là một người mẹ Do thái suốt đời tận tuỵ, vừa là một nữ doanh nhân tháo vát, đảm đang, vừa là một nghệ sĩ “có tài”, vừa là một nhân công lam lũ. Vì con trai, bà có thể làm trăm công, nghìn việc: “bà làm nghề chăm sóc sắc đẹp trong phòng sau cửa tiệm cắt tóc phụ nữ; buổi chiều mẹ tôi làm công việc tương tự cho chó cảnh trong một chuồng chó ở Đại lộ Victoire.” (Tr. 26) Ta còn nhớ hình ảnh của một người mẹ vẩy vương trượng khắp chợ Buffa để biến một thứ hàng hoá tầm thường sang “ẩm thực Pháp cao cấp”, một cách để đối đầu với cuộc sống quá nhiều thiếu thốn, gian nan.

Đó là một người mẹ tham vọng như bao người mẹ khác, nhưng ở bà, tham vọng được đẩy lên đỉnh điểm, đến mức có thể bị xem như sự cuồng vọng. Sự cuồng vọng đó đã có lúc làm cho Romain Gary cảm thấy áy náy:

“Với tình mẫu tử, vào lúc bình minh của đời người, cuộc sống hứa với bạn điều mà nó không bao giờ thực hiện. Rồi thì bạn phải ăn nguội ăn lạnh cho đến hết đời. Sau đó, mỗi lần một người phụ nữ ôm chầm lấy bạn, siết bạn vào lòng, đó chỉ còn là chia buồn thương tiếc nữa mà thôi. Bạn luôn trở về kêu gào bên mộ mẹ như một con chó bị bỏ rơi. Không bao giờ nữa, không bao giờ nữa, không bao giờ nữa. Những vòng tay tuyệt diệu choàng quanh cổ bạn, những cặp môi dịu dàng nói với bạn về tình yêu, nhưng mà bạn đã tỏ tường tất cả. Bạn đã đến bờ suối từ rất sớm và đă uống cạn nước. Khi cơn khát lại tóm được bạn, bạn có chạy tứ chạy tung nơi này nơi khác thì cũng hoài công mà thôi. Không còn nước uống, chỉ còn ảo ảnh.[...] Tôi không có ý là phải ngăn cản các bà mẹ yêu thương con cái mình. Tôi chỉ muốn nói là các bà mẹ cần có ai đó khác nữa để mà yêu thương.” (Tr. 40)

Song song với sự cuồng vọng là niềm tin gần như tuyệt đối của Nina vào đứa con yêu của mình. Trong gia cảnh khốn khó vô cùng, đôi khi bị đẩy đến tình thế tuyệt vọng, niềm tin của Nina có cái gì đó hơi lãng mạn chủ nghĩa. Chính Romain Gary đã nhận xét: “Trong tưởng tượng của mẹ tôi có cái gì đó lỗi thời một cách đáng ngạc nhiên và xưa cũ một cách lãng mạn. Tôi tin là mẹ tôi đang tìm cách tái tạo quanh mình một thế giới mà bà chỉ biết qua các tiểu thuyết Nga trước năm 1900, thời điểm mà cả nền văn học đáng giá đó đã dừng lại cho bà.” (Tr.74) Sự lãng mạn đó nhiều khi vỡ òa ra từ những tình huống bi đát, khốn cùng. Nhờ có niềm tin sắt đá vào tương lai rạng rỡ của con yêu mà ngay từ thuở hàn vi, bà tiên nhân hậu đó đã đưa ra hơn một lời ước nguyện có vẻ hoang đường:

- “Guynemer! Con sẽ là Guynemer thứ hai!”

- “Con sẽ là một người hùng, con sẽ trở thành một vị tướng, Gabriele d’Annunzio, Ngài Đại sứ Pháp.” (Tr. 14)

- “Con sẽ là một d’Annunzio! Con sẽ là Victor Hugo, con sẽ là một nhà thơ đoạt giải Nobel.” (Tr. 22)

- “Nijinsky! Nijinsky! Con sẽ trở thành Nijinsky! Mẹ biết mẹ đang nói gì! (Tr. 28)

Qua những tuyên ngôn trên, chúng ta có thể nói bà tiên Nina đã phủ lên tương lai của con trai những ánh hào quang rực rỡ nhất của sự thành công ngay từ khi Romain còn thơ dại. Bà là người áp vào “cái tôi tương lai” của Romain Gary vô số những tên tuổi huy hoàng, vượt qua biên giới của Nga, Ba Lan hay Pháp để mang những giá trị Châu Âu, thậm chí toàn cầu, cho dù không phải lúc nào bà cũng biết những con người nổi tiếng đó là ai: “Goethe là người vinh dự đầy mình, Tolstoi là một bá tước, Victor Hugo là Tổng thống cộng hòa...” (Tr. 31)

Nina là một người mẹ quên mình qua tầng ý nghĩa. Ở lớp nghĩa thứ nhất, chúng ta thấy niềm tin và kỳ vọng mà bà đặt vào tương lai của con mình gần như không có cơ sở. Phải nói là trước khi Romain Gary trưởng thành, không có gì có thể cho phép hy vọng những điều ước trên sẽ trở thành hiện thực: Hai mẹ con sống trong cảnh lưu vong, cùng cực; Romain chưa bộc lộ được tài năng gì, kể cả năng khiếu viết văn. Ở lớp nghĩa thứ hai, sự quên mình đó thể hiện ở đức hi sinh cao cả: Nina hi sinh tất cả vì con mình. Trong những thời điểm thiếu thốn nhất, bà quả quyết với con là bà chỉ thích ăn rau quả và kiêng thịt, mỡ. Thế nhưng, run rủi thế nào bà lại để cho con trai bắt gặp mình ăn vụng: “Tôi thấy mẹ tôi đang ngồi trên một chiếc ghế đẩu; bà đặt cái chảo đã rán bít tết cho tôi lên đầu gối, lấy bánh mì vét kỹ lưỡng phần mỡ sót lại rồi ăn ngấu nghiến. Mặc dù bà nhanh tay lấy khăn che chiếc chảo nhưng tôi đã bất ngờ biết hết sự thật về những lý do ăn kiêng của bà.” (tr. 20) Sự quên mình đó còn thể hiện ở sự khắc kỷ phi thường của bà. Vì con mà bà giấu kín nỗi đau tinh thần và thể xác của riêng mình. Nhiều lúc nhiều khi, chúng ta thấy bà chịu đựng sự đau đớn một cách tự nhiên, thường nhật. Hình ảnh sâu đậm nhất về người mẹ trong tâm trí của Romain Gary là: “Đùi mẹ tôi đã lỗ chỗ vết kim tiêm. Cứ mỗi ngày hai lần, mẹ ngồi vào một góc, miệng ngậm thuốc lá, chân bắt tréo, cầm cái xi lanh insulin rồi chọc thẳng vào thịt da, miệng vẫn giao việc cho nhân viên.” (tr. 264) Bị bệnh đái đường hành hạ, bị tuổi tác và sự vất vả làm cho cơ thể càng ngày càng yếu ớt nhưng bà vẫn luôn bộc lộ một sự chịu thương chịu khó phi thường, một sư lạc quan vô bờ bến về tương lai của con mình và của nước Pháp. Và, để truyền sức mạnh và lòng can đảm cho con trai đang ở chiến trường, trước khi lìa trần, bà đã viết gần 250 bức thư rồi gửi sang Thụy Sĩ để nhờ bạn gửi đều đặn cho con trai. Bà biết nếu Romain biết bà chết thì sẽ mất hết niềm tin và khả năng chiến đấu. Bà quên cái chết của riêng mình để tiếp sức cho con yêu, để “dây rốn vẫn tiếp tục hoạt động”. (Tr. 436)

Nina là một người phụ nữ quyền uy và không phải không có khả năng phù phép: “Mẹ tôi cần điều tuyệt diệu. Suốt đời mẹ ước mơ một sự phô diễn tuyệt đối và tối thượng, vẩy chiếc đũa thần một cái là sự phô diễn đó sẽ trộn lẫn những người nhẹ dạ cả tin với những kẻ ma mãnh, sẽ đưa công lý đến với những người có địa vị thấp hèn hay cùng khổ.” (Tr. 68) Cái chết của bà bí hiểm như mọi sự biết mất của một bà tiên. Một cái chết nom có vẻ nhẹ nhàng, ít người biết kẻ hay. Romain Gary nhận ra cái chết của mẹ như một sự đã rồi. Tất cả đã được sắp xếp đâu vào đấy, y như có phép thuật.

Với tất cả những gì chúng ta đã thấy ở trên, có thể khẳng định Nina Borosovskaia đã trở thành một huyền thoại mẹ đúng nghĩa. Bút danh Romain Gary của Romain Kacew sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có quyền năng, đức hy sinh cao cả và khả năng phù phép của người mẹ-nghệ sĩ ấy.

2. Cuộc chiến vì tình mẫu tử hay nỗ lực tự định danh.

Lời hứa lúc bình minh không những là lời hứa của cuộc sống đối với Romain. Đó còn là lời hứa của đứa con trai với đối với người mẹ cô đơn, khốn khổ. Đó là lời hứa lập nghiệp, lập thân, lập công, lập đức, lập danh để đền đáp công ơn trời biển của mẹ. Ngay những trang đầu của tiểu thuyết, Romain Gary đã viết:

“...tôi ôm mẹ tôi và nghĩ đến tất cả những cuộc chiến mà tôi sẽ lao vào vì bà, nghĩ đến gì mình đã tự hứa với mình lúc bình minh của cuộc đời, là sẽ trả lại công bằng cho mẹ, là làm cho sự hi sinh của mẹ có ý nghĩa, là một ngày nào đó sẽ trở về nhà sau khi đã chiến thắng trong cuộc tranh giành quyền làm chủ thế giới từ tay những người mà, ngay thuở chập chững biết đi, tôi đã biết đến sức mạnh và sự tàn ác.” (Tr. 15)

Đó là cuộc chiến chống lại các vị thần như Totoche (thần ngu dốt), Merzavka (Thần chân lý tuyệt đối), Filoche (thần ti tiện, định kiến) và bao “vị thần bạo ngược nhong nhong khắp thế gian” khác. Ước nguyện của Romain Gary là “tranh giành quyền làm chủ thế giới với các vị thần phi lý và đam mê quyền lực, muốn trả lại trái đất cho những ai bao bọc nó bằng tất cả tình thương yêu và lòng quả cảm.” (Tr. 18) Song song với cuộc chiến chống lại các vị thần đó là nỗ lực thực hiện lời mà Romain đã hứa với mẹ từ thuở ấu thơ. Lời hứa đó có thể được gói gọn ở ba khía cạnh định danh (identification): về mặt tình cảm, về mặt xã hội và về mặt văn nghệ. Đây có thể được xem là ước nguyện bù đắp dĩ vãng của chính Nina Borosovskaia: tiếp sức cho con mình, động viên, thúc giục con mình thực hiện những giấc mơ mà thời trẻ bà đã không thực hiện được.

Chúng ta biết Nina là một người phụ nữ bị phụ tình. Hồi trẻ, bà đã yêu si mê một người và cho đến lúc về già, bà vẫn giữ nguyên tình yêu đó, không phải vì người đó đối xử với bà như “một trang nam tử” mà là vì người đó là một người đàn ông đích thực. Và vì phải qua một mối tình không trọn vẹn nên bà mong muốn Romain trở thành một người đàn ông thuộc giới thượng lưu, một chàng trai quyến rũ, một Don Juan thực sự. Bà đã không ít lần bày cho con mình cách quyến rũ phụ nữ, chẳng hạn như ngước mắt lên hay trau dồi “nghệ thuật tặng quà phụ nữ”:

“Mẹ tôi thiết tha mong muốn tôi gặt hái được nhiều thành công trong việc chinh phục phụ nữ. Rõ ràng mẹ tôi coi đó là một trong những phương diện chủ yếu của sự thành công trong đời. Đối với mẹ tôi, đó là một thứ đi kèm với những vinh dự chính thức, với những huy chương cao quý, với những bộ quân phục cấp cao, với rượu sâm banh và những buổi lễ tiếp đón tại Toà Đại Sứ...” (Tr. 33)

Ước nguyện của Nina là Romain phải quyến rũ được “những cô gái đẹp nhất trên đời, những diễn viên ba lê nổi tiếng, những prime donne, những Rachel, những Duse, những Garbo...” (Tr. 32) Thực tế cho thấy cho thấy không phải lúc nào Romain ngước mắt lên nhìn trời là chinh phục được người mình thích ngay, thế nhưng, đã ít nhất một lần Romain đã phải nói dối mẹ để chứng tỏ mình là một gentleman thực sự, để xoa dịu nỗi buồn của mẹ khi biết trong số ba trăm người, chỉ có riêng mình không được phong thiếu úy. Khi nghe Romain nói: “Con đã quyến rũ vợ của chỉ huy. Con đã không làm chủ được mình. Lính tùy tùng đã tố giác con. Ông chồng đòi trừng phạt.” (Tr. 278), bà tỏ ra rất “hãnh diện”, “sảng khoái”: “Bản năng lãng mạn xưa cũ và ký ức về Anna Karenine đã chiến thắng tất cả những gì còn lại.” (Tr. 278) Vì mẹ, Romain luôn “tăng cường lòng dũng cảm và chất nam tính của mình”. (Tr. 95) Mới gần 9 tuổi, để lấy lòng cô bé Valentine, sau khi đã “ngước mắt lên nhìn ánh nắng” (Tr. 89) nhưng bất thành, Romain đã ăn giun đất, bươm bướm, anh đào cả hạt, chuột sống, thậm chí cả chiếc giày cao su và “tin chắc người ta làm tình như thế.” (Tr. 91) Quyết tâm của người mẹ là như vậy, và trên thực tế Romain Gary đã có những thành công đáng kể trên tình trường, đặc biệt mối tình của ông với diễn viên điện ảnh nổi tiếng Jean Sebert, thế nhưng Romain Gary luôn bị ám ảnh bởi nam tính của mình. Hẳn ông lo sợ không đủ nam tính để trở thành một người đàn ông đích thực như mẹ mình mong muốn:

“Hồi ấy tôi đã mười chín tuổi. Nhưng tôi vẫn chưa có được tâm hồn của kẻ chinh phục phụ nữ. Tôi rất khổ tâm. Cái cảm giác đầy ám ảnh là nam tính trong mình ngày càng giảm sút giằng xé tôi, tôi cố gắng chống chọi cảm giác này như tất cả những người đàn ông trước tôi, những người muốn yên tâm về nam tính của mình.” (Tr. 224)

“Tôi luôn cảm thấy mình bất lực kinh khủng và cố gắng hết sức để thay đổi, để chứng tỏ mình chưa hoàn toàn đánh mất nam tính.” (Tr. 402)

Quá trình định danh về mặt xã hội của Romain Gary cũng cam go không kém. Ngay từ thời Romain còn nhỏ, Nina đã cố gắng rèn Romain trở thành một người có vị thế trong xã hội, một “người thuộc giới thượng lưu” (tr. 73), từ cách ăn mặc đến cách tặng hoa phụ nữ, từ khiêu vũ đến thuật cưỡi ngựa, từ đấu kiếm đến bắn súng v.v... Ngay từ khi Romain mới lên tám, người mẹ này đã tuyên bố: “Con sẽ là Đại sứ Pháp.” (Tr.52) chứ “không chịu nghề nào thấp kém hơn.” (Tr. 109). Phải nói quyết tâm của Nina vào thời điểm đó có thể bị xem là điên rồ nhưng con đường bà vạch ra cho con trai là một con đường rất rõ ràng, như thể bà tiên liệu được mọi chuyện: “Kế hoạch của mẹ về tương lai của tôi đã được quyết định từ lâu rồi. Bằng tú tài, nhập quốc tịch, cử nhân luật, nghĩa vụ quân sự - với cương vị là sĩ quan kị binh, dĩ nhiên rồi – Trường Khoa học Chính trị và bước vào con đường “ngoại giao”. (Tr. 168). Như để bù đắp cuộc sống cơ hàn, địa vị thấp hèn, thân phận lưu vong của mình, như để xóa bỏ phức cảm tự ti của một người thường bị người đời khinh rẻ, Nina mong muốn con mình giành được một vị trí xứng đáng trong xã hội Pháp. Chính vì thế, bà đã khá nhiều lần nhắc đến chức vụ Đại sứ Pháp, chứ không phải Tổng thống cộng hòa, có lẽ bà nghĩ rằng “trong thế giới của Anne Karenine và các sĩ quan cận vệ, Tổng thống Cộng hoà không hoàn toàn thuộc ‘thế giới phong lưu’, và một ngài đại sứ mặc đồng phục thì danh giá hơn nhiều.” (Tr. 110)

Nhưng nổi bật nhất vẫn là nỗ lực định danh về mặt nghệ thuật của Romain. Nina mong muốn con mình trở thành một “nghệ sĩ vĩ đại”. (Tr. 146) như để bù đắp tham vọng hồi trẻ của mình. Bà vốn là một diễn viên kịch trong các nhà hát có tiếng ở Mat-xcơ-va. Chỉ có điều bà chưa trở thành một nghệ sĩ sân khấu lớn. Để thỏa lòng mong ước của mẹ, Romain hăm hở lao vào những bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, ca hát, kịch nói, khiêu vũ. Sau khi cho con trai thử sức từ nghệ thuật này sang nghệ thuật khác, cuối cùng Nina đành phải chấp nhận là Romain “không có năng khiếu gì đặc biệt, cũng không có biệt tài gì tiềm ẩn.” (Tr. 108) Cuối cùng Romain đã chọn con đường văn chương, xem “văn chương là nơi nương tựa cuối cùng trên cõi đời cho những ai không biết náu mình vào đâu nữa.” (Tr.27) và đó cũng là ước vọng của Nina, bà mong muốn con mình trở thành một “người khổng lồ của văn học Pháp.” (Tr. 23). Quá trình định danh về mặt văn học không phải bắt đầu bằng sáng tác văn học mà “giấc mơ khởi đầu tại nguyện” bằng việc tìm kiếm tên tuổi: Romain bỏ nhiều tháng trời để tìm ra một bút danh đúng tầm với những gì ông hằng mong làm được cho mẹ ông, “tương xứng với các kiệt tác mà người ta đang chờ”. (Tr. 32) Romain giam mình trong phòng và “ghi kín những cái tên lạ hoặc lên giấy”, “viết như vậy từ trang này qua trang khác”, “ngâm nga từng bút danh rất kêu và rất hùng hồn”. (Tr. 34). Cái lý do dẫn đến trò chơi bút danh (jeu de pseudonymes) này thật cảm động. Romain “bị giày vò vì không thể làm gì cho mẹ, suốt ngày nát óc nghĩ bằng được một cái tên thật đẹp, thật kêu, thật hứa hẹn để có thể nói ra những gì mình nghĩ trong lòng, để rung chuông gióng nhạc bên tai mẹ, cho mẹ nghe thấy âm vang vinh quang của mình trong tương lai, vinh quang mà mình sẽ dâng lên mẹ.” (Tr. 34) Bút danh đóng một vai trò quan trọng đối với Romain, nhờ đó mà Romain có thể thoát ra chính mình, vượt qua những hạn chế của riêng mình để vươn tới những chân trời mới, để thay đổi danh tính. Romain say sưa tìm kiếm bút danh đến nỗi quên cả việc “viết ra các kiệt tác.” Mãi về sau ông mới nhận ra sự ngược đời ấy: “Bút danh có cái dở là không bao giờ thể hiện được những gì mình cảm thấy trong lòng. Tôi gần như đi đến kết luận là với tư cách là phương tiện biểu đạt văn chương, bút danh là chưa đủ, mà còn phải viết sách nữa.” (Tr.24) Chính vì thế mà từ lúc mười hai tuổi, Romain đã mười một tiếng đồng hồ mỗi ngày “cố gắng hết mình giúp mẹ, tức là cố gắng viết nên một kiệt tác bất hủ” (Tr. 177) “với tất cả cảm hứng trữ tình của tuổi thiếu niên” (Tr. 192) và “dội những quả bom thơ, truyện, bi kịch năm hồi theo thể thơ mười hai âm tiết vào các tạp chí văn học.” (Tr. 31) Romain ráo riết bắt tay vào viết những “chương cuối tuyệt vời” (mà chưa bao giờ viết những chương trước đó!) vì lý do mà tất cả mọi người đều biết:

“Tôi thấy mình phải khẩn trương lên, phải nhanh chóng viết kiệt tác văn học bất hủ. Kiệt tác đó, khi biến tôi thành Tolstoi trẻ nhất mọi thời đại, sẽ cho phép tôi bù đắp ngay những khó khăn, vất vả của mẹ, tôn vinh ngay cuộc đời mẹ.” (Tr. 191)

Tuy nhiên, nỗ lực của Romain không được bù đắp ngay: những tác phẩm ông gửi cho các nhà xuất bản đều bị trả lại và lý do, theo hai mẹ con, không phải vì vấn đề bút lực mà là vì “bút danh quá dở.” Romain đã đổi bút danh từ François Mermont sang Lucien Brulard nhưng các nhà xuất bản vẫn chưa thỏa mãn. Cũng như hầu hết những người mới lững chững vào nghề văn, ông đã phải nếm mùi thất bại nhiều lần. Ông thừa nhận: “Tôi thấy chất giọng yếu ớt và khả năng nghèo nàn của mình như một câu chửi thề nhằm vào tất cả những gì tôi cố nói, tất cả những gì tôi từng yêu.” (Tr. 403) Cả về phương diện văn nghệ, ông cũng buộc phải nói dối để mẹ mình không phải thất vọng. Khi thì ông nói với mẹ rằng các tờ báo yêu cầu ông viết những truyện ngắn theo thị trường một cách hèn hạ đến mức ông “phải từ chối làm bẩn danh tiếng văn chương của mình và không ký thẳng tên mình vào những truyện ngắn đó”. (Tr. 236) Khi thì ông “cắt các tác phẩm của các đồng nghiệp đã được in trên những tờ tuần báo Paris rồi gửi cho mẹ, trong cảm giác lương tâm thanh thản và hoàn thành nghĩa vụ.” (Tr. 236) Những chi tiết này càng làm nổi bật nghịch cảnh văn chương của hai mẹ con: tham vọng quá lớn trong khi thực tế đôi khi quá tàn nhẫn, phũ phàng. Qua đó chúng ta cũng thấy được lòng hiếu thảo của Romain. Ông không bao giờ làm bất cứ việc gì để cho người mẹ ốm yếu của mình cảm thấy thất vọng, buồn chán hay đau khổ. Và cũng qua đó, chúng ta hiểu được động cơ viết văn của Romain Gary: ông viết vì mẹ, và rộng hơn nữa, như ông đã nói, vì “thân phận con người.” Ở một khía cạnh nào đó, đó cũng là một sự quên mình. Hơn một lần trong tiểu thuyết này, Romain Gary phủ nhận cái tôi của bản thân. Ông nói: “Thực tế là ‘cái tôi’ không hề tồn tại, ‘cái tôi’ không bao giờ là đích nhắm đến...” (Tr. 176), và “...tôi luôn biết rằng tôi không có sứ mạng nào khác; rằng trong chừng mực nào đó, tôi chỉ sống gửi; rằng sức mạnh bí ẩn và công minh đang ngự trị số phận con người đã ném tôi lên bàn cân để tái thiết sự cân bằng cho một cuộc đời đầy hy sinh và quên mình.” (Tr. 50).

3. Kết thúc có hậu.

Cuối cùng thì sự hy sinh quên mình của hai mẹ con đã được đền đáp. Mọi chuyện cổ tích đều kết thúc có hậu. Trong chừng mực nào đó, Lời hứa lúc bình minh cũng thế. Những ước mơ cuồng điên của người mẹ đã trở thành hiện thực. Romain Gary đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, một nhà ngoại giao có uy tín, một nhà quý tộc “ăn mặc theo kiểu London”, một đấng mày râu đúng nghĩa. Nếu xét điều này ở phương diện tác phẩm cuộc đời thì có thể xem đây là một kết thúc có hậu. Đúng thế, Romain Gary chính là kiệt tác của Nina. Chính ông đã quả quyết: “Tôi vốn là kết thúc có hậu của mẹ tôi.” (Tr. 334) Và chính điều đó đã đem lại niềm tin sắt đá của hai mẹ con vào ngày trở về trong khải hoàn ca:

“Vào những giờ khắc ác liệt nhất của chiến tranh, tôi luôn đối diện với hiểm nguy trong cảm giác mình là một kẻ bất khả chiến bại. Không gì có thể xảy đến được với tôi bởi tôi là sự kết thúc có hậu của mẹ tôi. Trong hệ thống cân đong đo đếm mà con người tìm cách áp đặt cho thế giới một cách tuyệt vọng, tôi vẫn luôn thấy mình như chiến thắng của mẹ tôi.”

Chúng ta như thấy phảng phất đâu đây những motif của truyện cổ tích: ở hiền gặp lành (Romain đã từng nhiều lần thoát chết trong gang tấc ở chiến trường), có công mài sắt có ngày nên kim, có chí thì nên v.v... Cho dù cái kết thúc có hậu này chỉ thỏa mãn ước nguyện của nhân vật chính, tức là người mẹ. Tuy nhiên, Lời hứa lúc bình minh có một kết thúc đượm buồn. Cái chết của mẹ đã gieo vào lòng Romain Gary và người đọc một nỗi buốn sâu thẳm. Cái chết của mẹ cũng đã khiến cho Romain Gary vỡ mộng, tiếc nuối bởi ông đã không thể thực hiện lời hứa của mình khi mẹ còn sống. Qua đó, ông cũng thể hiện sự hoài nghi của mình về chủ nghĩa lý tưởng. Dù thế, ông “không rút ra bài học nào, không rút ra sự nhẫn nhục nào từ kết cục của chính mình, [ông] chỉ khước từ chính bản thân và đó không phải tai họa gì to lớn.” (Tr. 437) Ông không “ném một bóng tối lớn hơn lên trái đất.” (Tr. 435) Ngược lại, ông thể hiện một sự lạc quan nào đó về cuộc sống, tin “cuộc sống là một thể loại văn học” (Tr. 394), tin “vào cái đẹp, do đó cũng tin vào công lý.” (Tr. 394) Ông viết: “Tôi chưa bao giờ trở thành một người vô liêm sỉ, hay bi quan yếm thế, trái lại, tôi thường xuyên có những khoảnh khắc hy vọng và mong mỏi trọng đại.” (Tr. 439)

Lời hứa lúc bình minh là một tác phẩm đẹp, trữ tĩnh và đầy tính nhân văn. Được viết bằng thể loại giả tự truyện, với một văn phong trau chuốt, bóng bẩy, tiểu thuyết này được đánh giá là một trong những bức chân dung đẹp nhất về người mẹ. Qua tiểu thuyết, người đọc thấy được mỹ cảm, “sở thích nghệ thuật, nỗi ám ảnh đeo đuổi kiệt tác” (Tr. 105) của Romain Gary. Nhà văn gốc Do Thái này đã từng khao khát hiến dâng mẹ một kiệt tác văn học bất hủ. Có lẽ không quá lời nếu coi đây là kiệt tác đó.

Nội Quy Comment cho bài viết :
Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể Nhận xét bằng cách chọn Tên/URL không nên Ẩn danh. Với Tên/URL bạn có thể bỏ trống URL

:) :( :)) :(( =))