Tác giả: Tomasz Jastrun
Dịch Gi Lê Bá Thự
(truyenonline.net)Bức tranh choán gần hết bức tường. Người vẽ bức tranh là một họa sĩ mà chồng nàng quen biết, còn nàng đã không kịp làm quen với họa sĩ này. Bức tranh vẽ trên nền vải, được treo trong nhà trước ngày chồng nàng lên đường thực hiện chuyến thám hiểm Himalaya và anh không quay về nữa – nàng chờ chồng đã mấy năm nay, có lẽ nàng vẫn chờ tiếp chăng?
Trên tranh, một người đàn ông, trán hói, khỏa thân, tay cầm máy ảnh, chĩa ống kính đen về phía miệng đứa bé. Hình người được phản chiếu trong gương, cho nên bé gái độ vài tuổi với nụ cười khó hiểu trên môi đang nhìn người khỏa thân, đồng thời cũng nhìn về phía chúng ta, cái nhìn vô cùng khó hiểu. Đứa bé giống nàng một cách đáng sợ, khi nàng còn nhỏ. Liệu có khả năng Robert đã cho họa sĩ mượn ảnh nàng hồi bé để làm mẫu hay không?
Đây là một họa sĩ danh tiếng, thậm chí nàng đã nhìn thấy ông ta trên ti vi, nghe nói các nhà phê bình nghệ thuật đã liệt các tác phẩm hội họa của ông vào dòng hiện thực huyền bí. Bức tranh trụy lạc không những vì hình ảnh khỏa thân của người đàn ông tương phản với nét dịu dàng của đứa bé, mà còn là vì có cái gì đó lẳng lơ trong nụ cười của bé gái, có lẽ máu dâm dục đàn ông chỉ đợi cái nháy mắt làm hiệu của cô bé là nổi loạn.
Bức tranh làm nàng buồn, bởi nó gợi lại cái chết của chồng nàng. Nụ cười của bé gái, và việc nó giống nàng khiến nàng ái ngại, dáng vẻ người đàn ông khỏa thân chẳng ăn nhập chút nào với gương mặt dịu hiền, dễ thương của người này, một trí thức Ba Lan – giống người hình như đã bị tuyệt chủng. Đầu hói, râu thưa, hai mắt suy tư trong mục kỉnh – nàng thích những người đàn ông như vậy.
Từ ngày Robert bị mất tích, nàng không quan tâm đến đàn ông nữa. Nàng tống khứ họ ra khỏi đầu óc mình rồi. Người đàn ông duy nhất hàng ngày hiện diện trong nhà nàng là người đàn ông khỏa thân đứng trong bức tranh này.
Nàng làm việc tại một văn phòng, chẳng phải tại một cơ quan sang trọng gì, nàng nhét tham vọng công danh của mình vào ngăn kéo từ lâu rồi. Nàng sống bằng cuộc sống của chồng, bằng thành công của chồng, bằng những con số tám nghìn mét chiếm lĩnh núi cao của chồng. Chồng nàng thường đi xa. Ở nơi vừa xa xăm vừa cao ngút đó chồng nàng đã phản bội nàng, để bám theo những đỉnh núi mà nàng chỉ có thể nhìn thấy trong trí tưởng tượng, để theo đuổi những người đàn bà mà nàng chẳng thể hình dung. Nàng đinh ninh có chuyện bội tình đó, nhưng nàng chẳng cần biết cụ thể mà làm gì. Chồng nàng, người nhiều hơn nàng mươi tuổi, là người đàn ông đầu tiên và cũng là người đàn ông cuối cùng của đời nàng – là sự đê mê to lớn chẳng khác gì những ngọn núi cao với những cái lưỡi băng giá buốt. Chồng nàng là người biết lo toan, kiên định, là một người đàn ông tuyệt vời mỗi khi gặp tai ương, tuy vậy mối hiểm nguy của cuộc sống thường nhật luôn đe dọa anh. Có lẽ tại vì chồng nàng đã bỏ nhà chạy lên núi cao, và lúc anh quay về nàng cảm thấy chồng mình sao mà lạnh lùng, sao mà xa lạ làm vậy. Họ không có con, lỗi tại anh chồng chăng? Tuy nhiên, suốt đời mình, nàng nương tựa vào chồng, còn chồng nàng thường hay đi xa để rồi rốt cuộc đi xa mãi mãi.
Ngày mai nàng tròn ba mươi nhăm tuổi. Nàng đẹp, nhưng là cái cái đẹp khiêm nhường, cái đẹp không có điểm nhấn, không khoa trương. Nàng thích tranh tối tranh sáng, ánh sáng trong ngôi nhà ấm cúng của nàng là thứ ánh sáng dìu dịu, nàng chỉ sử dụng những ngọn đèn tường loại nhỏ, tỏa ánh sáng vàng rộm, hài hòa.
Chẳng bao giờ có thể tìm được thi thể chồng nàng chôn vùi dưới những tảng băng. Một khi không có thi hài thì chẳng thể có lễ an táng – nghĩa là không có những cục đất đập vào quan tài một cách dữ dằn và vô tích sự, cũng không có những vòng hoa mà khi khô héo thì chúng nói về cái chết còn nhiều hơn tất thảy mọi điếu văn trên trần đời. Biết đâu anh ấy vẫn còn sống đấy nhỉ? – Thỉnh thoảng nàng trộm nghĩ như vậy.
Bạn hữu của chồng nàng gọi điện, nhưng về sau họ thôi. Đối với họ, nàng tựa hồ sự day dứt lương tâm, họ tiếp tục đi hết cuộc thám hiểm này đến cuộc thám hiểm khác và trở về nhà sau mỗi chuyến đi như vậy.
Nàng cảm nhận, đối với nàng thế giới này là vô vị, chẳng đẹp đẽ gì. Con người ta thay đổi, tiền tài, ca cẩm không tiền, đó là đề tài chủ yếu của những cuộc chuyện trò; thậm chí người ta không còn đàm đạo về thời tiết nữa, mặc dầu đã sang xuân, mà ở Ba Lan mùa xuân là mùa có thể biến đổi cỏ cây như người ta biến đổi từ theo các cách của ngữ pháp Ba Lan, một loại ngữ pháp vốn chẳng dễ chút nào.
Mùa hè, vào các chiều thứ bảy, nàng ngự trên ghế bành, uống cà phê. Điện thoại vẫn im như mọi ngày. Nàng không còn chờ đợi sẽ có người gọi điện báo một tin quan trọng, nếu chuông reo thì chẳng qua đó chỉ là cú điện thoại gọi nhầm – đây có phải là cửa hàng bán buôn không? Nàng gắng trả lời nhã nhặn, điều chẳng dễ dàng gì.
Nàng uống cà phê bằng chiếc cốc có in hình con gấu, nom hơi giống loại cốc dành cho trẻ con, nhưng đó là chiếc cốc nàng thích. Nàng nhìn lên bức tranh – treo thế này liệu có quá cao không nhỉ? Nó đã bám rễ vào tường mất rồi, bây giờ mà động vào thì sợ lắm. Họa sĩ này có vợ, có gia đình không? Ông ta ở đâu? – Chắc là ở Warszawa, tất thảy những người nổi tiếng đều ở Warszawa. Khi ân ái với vợ mình, ông ta có để mục kỉnh sang bên cạnh hay không nhỉ? – Chắc là như vậy. Nàng nhẹ nhàng vén váy, đặt tay lên bụng, lồng các ngón tay xuống giữa hai bên đùi… Nàng khô khốc, không còn hứng thú. Mình trở thành con vật vô tính mất rồi – nàng nghĩ. Cụm từ “người đàn bà góa”, cụm từ ác độc, như một con dơi quấn chặt vào tóc nàng. Lúc đó nàng nhìn thấy một người đàn bà có “giống cái” khô khốc như vỏ bào.
Bức tranh nhìn nàng, ngạc nhiên trước những gì nàng vừa làm. Nàng đỏ mặt. Bất thình lình nàng nhìn thấy, trên tranh, ở chỗ đen thẫm dưới bụng người đàn ông… có chuyện gì đó xảy ra… Nàng nhắm nghiền hai mắt, còn khi nàng mở mắt ra thì nàng nhìn thấy cái con giống không to nhưng rõ mồn một bây giờ không còn nguyên xi như cũ nữa?
Nàng đứng dậy, tim đập thình thịch, đi ra ngoài. Tuy nhiên một lúc sau nàng quay lại. Người đàn ông trong tranh đang lên cương. Nàng định gọi điện cho ai đó để thổ lộ mối lo ngại của mình, tuy nhiên, những người gần gũi với nàng lúc này lại hóa thành xa, vì nàng sợ bị nhạo báng.
Nàng cố đọc sách, nhưng không tập trung nổi. Suốt một giờ đồng hồ liền nàng không nhìn vào bức tranh. Sau đó nàng ra ngoài đi dạo. Nàng thích mưa bụi ngày xuân, những hạt mưa xuân rơi nhẹ nhàng đến nỗi chúng làm cho cây cỏ, mặt đất và gạch lát vỉa hè dậy mùi. Nàng bước đi vô định, cho nên nàng có thể bình thản ngắm nghía tủ trưng bày trong các cửa hàng. Mấy năm vừa rồi những đường phố này thay đổi biết nhường nào. Nàng chần chừ khi đi ngang qua rạp chiếu phim gần đó, nàng không dám đi xem phim một mình. Hễ rạp chiếu phim tắt đèn là nỗi cô đơn ngồi xuống bên nàng, để gối cái đầu lạnh giá lên vai nàng, đúng chỗ chồng nàng vẫn luôn luôn gối đầu vào mỗi khi phim dở. Nàng vào một cửa hàng, như thường lệ tìm mua loại sữa chua hoa quả còn mới.
Về nhà nàng pha trà, mở sữa chua, ngồi ghế bành. Nàng liếm thìa, nhắm hai mắt lại để cảm nhận vị dừa chua chua ngọt ngọt đang mơn trớn miệng lưỡi. Nàng nhìn lên bức tranh vải – con giống của người đàn ông đã đổi dạng. Nàng dám chắc như vậy. Vậy là mối lo ngại đã trôi qua – nàng mỉm cười – chuyện này buồn cười, rất buồn cười – nàng nói với chính mình. Nàng đem chiếc ghế đẩu đặt bên dưới bức tranh, nàng đứng lên ghế, chìa tay về phía người đàn ông, nhưng nàng không dám chạm tay vào tranh, hốt hoảng rụt tay lại – nàng nghĩ – thật là buồn cười, còn ta, ta không thẹn thùng.
Nàng ngồi trên ghế bành, tay ôm cốc trà đã nguội lạnh. Nàng uống từ tốn, ra chiều thích thú, rồi nàng ăn sữa chua. Nàng với tay cầm cuốn danh bạ điện thoại. Nàng biết họ của nghệ sĩ, thì ra đây là cái họ rất phổ biến, chứ không như nàng nghĩ – tên thì nàng không dám chắc? Nàng mở cuốn từ điển bách khoa phổ thông mới xuất bản ra xem. Họa sĩ có trong ấy! Cho nên ông ta có tên và số điện thoại.
Nàng không có có ý định gọi điện thoại. Nàng sợ những người nổi tiếng, thực ra những người không nổi tiếng thì nàng sợ cũng chẳng kém là bao. Nàng khả dĩ nói gì với ông họa sĩ nhỉ? Bức tranh của ông đang treo ở nhà em, không có chồng em ở nhà, anh ấy đã tử nạn, còn ông trên bức tranh này… nếu đó đúng là ông? Lên cơn… em xin lỗi về hai từ cương lên. Cô bé đa tình này có phải là em hay không?
Nàng nhẩm đi nhẩm lại rất chuẩn xác đoạn thoại này trong đầu. Số điện thoại của họa sĩ nàng đã ghi vào sổ tay, sắp tới đây ông ta sẽ thường xuyên hiện diện trong đầu nàng. Chẳng biết động cơ nào đã khiến nàng rốt cuộc gọi điện. Mặt trời đã náu mình sau những ngôi nhà, sau những rặng cây, và như thường ngày, chim chóc kêu ríu ran lúc chiều buông, cứ như chúng sợ mặt trời lặn đi vĩnh viễn. Những tiếng chim hót cuối cùng trong ngày luôn luôn chắp cánh cho nàng.
Khi nghe giọng đàn ông trong điện thoại, nàng định đặt ống nghe xuống. Song thái độ ứng xử lịch thiệp, tính cách vốn có của nàng từ thuở ấu thơ, ngày càng phát triển như một cây lưu niên cành lá ngày càng xum xuê, đã giữ tay nàng lại. Nàng lắng nghe từng lời.
- A lô, có ai ở đó không? – giọng đàn ông, có phần sốt ruột, hỏi.
- Có em đây, em xin lỗi.
Nàng tự giới thiệu, rồi say sưa kể về bức tranh treo trong nhà nàng. Nàng cảm nhận, họa sĩ xúc động trước từng lời nàng kể, ông còn đỡ lời nàng – đúng, tất nhiên, ông nhớ, làm sao lại không nhớ cơ chứ, ông vẽ bức tranh này rất lâu, song rất nhiệt tình, đây là một bức tranh khá bạo tay, đúng không nào? Họa sĩ xúc động trước cái chết của Robert, ông đã không gọi điện, vì chẳng biết nói gì.
Giọng họa sĩ trẻ trung, chân tình, đượm buồn.
[Truyện ngắn] Bức tranh thay đổi
Posted by Admin
On
Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011