Lễ tốt nghiệp
Nguyễn Thị Cẩm Nhung

- "Má! Má lên đây làm gì?". Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nảy lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi.
- "Má nghĩ bán một bữa lên coi con lãnh bằng tốt nghiệp".
- "Không được đâu! Bữa nay bạn con đông lắm, mà má lại ăn mặc thế này...".
- "Thì má có còn bộ nào khác đâu. Thôi cho má vào. Má...".
- "Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia… Tụi bạn con nó cười…!".
Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong hội trường… Vừa lúc người xướng tên giới thiệu: "Sinh viên Phạm Thị P.X. là một trong những sinh viên xuất sắc của trường".

Lời cuối

Chuông điện thoại reo vang, giật mình, như cái máy, tay bật đèn đầu giường, mắt nhìn đồng hồ: 12 giờ 20 đêm. Chờ đến tiếng thứ ba mới nhấc điện thoại. Giọng thằng em từ quê nhà lạc lỏng, buông xuôi :
- Má xấu quá rồi, không còn biết gì nữa! Anh nói với Má vài tiếng đi!!
Tôi tuyệt vọng :
- Má đâu còn nghe được !?
Thằng em nài nỉ :
- Anh nói với Má vài tiếng đi, Má còn chờ anh đó !!
Tôi nghẹn ngào trong điện thoại như một lời tạ tội :
- Má ơi, con không về kịp, thôi Má hãy đi đi, đừng chờ con nữa.
Mười lăm phút sau, chuông điện thoại lại reo vang, giọng thằng em não ruột: " Má đã ra đi !" 

Lý Do
tác giả: Giọt Đắng

Nó thấy trong ví anh có tấm ảnh mờ nhạt của một phụ nữ, tuổi khoảng chừng 25. Nó cầm lấy và nhận xét:
- Bạn anh đấy à! Xấu quá...
Anh không nói gì, nhét vội tấm ảnh vào ví và ra về với dáng điệu buồn bã.
Mười ngày, hai mươi ngày và cả tháng, anh vẫn không đến nhà nó, nó chẳng hiểu lý do gì? Giận anh nhưng nhớ anh. Nó quyết định tìm đến nhà anh.
Vừa vào đến cửa nhà, nó chợt giật mình vì tấm ảnh thân thuộc kia nằm ngay trên bàn thờ với khói hương nghi ngút. Nó như hiểu ra vì sao anh không bao giờ nhắc đến Mẹ trước mặt nó. Nó ôm lấy mặt mà khóc vì ân hận. 

Chị hai
N.T.R

Thuở đôi mươi, tôi hay theo bạn bè la cà nhậu nhẹt, đánh nhau. Khuya, chị Hai ra đường kiếm, năn nỉ bạn bè kéo tôi về, tôi gắt ầm ĩ. Bao giờ trên bàn cũng còn mâm cơm tươm tất, bên gường sẵn ly nước chanh.
Sáng dậy, tôi lủi lẹ ra quán cà phê, tránh nghe bài đạo đức và nước mắt của chị.
Chị mất. Tôi tự do. Đêm về khuya, anh và chị dâu ngon giấc. Bàn ăn trống trơn. Bàn thờ lạnh ngắt. Thắp nén nhang cho chị, tôi chợt thèm nghe giọng nói cằn nhằn quen thuộc.


Đánh Đổi - Song Vũ

Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa. 

Cổng trường
Thanh Hải

Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh & phụ huynh. Những gánh hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường.
"Út, Út, Út ơi!". Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu.
"Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đâu đấy".
"Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!". Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy...
...Mùa thi lại về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. "Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!".

Xót xa
Tầm Duyên

Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du loch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du loch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
_ Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:
_ Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!
Nói xong, chị Hai đứng dậy bỏ ăn, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu :
_ Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi !


Giá mà
tác giả: Lê Di

Hễ nhà có dịp dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”. Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thàng thốt .

Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!