01-09-1968
Gửi một món quà cho người bạn ấy, buồn vô hạn mình không muốn giữ cho ai một vật gì chỉ là vật chất và chắc người nhận cũng không bao giờ muốn nhận một vật gì chỉ là vật chất. Vậy mà tai sao mình chỉ gửi một món quà không một chữ kèm theo, không một lời giải thích, không một câu thân thiết dặn dò. Có ai hiểu được lòng tôi không? Lòng một cô gái giàu yêu thương, rộng lượng trong tình cảm đồng thời cũng rất khắt khe và đầy tự ái trong vấn đề đó. Mẩu chuyện nhỏ hôm nay nói với mình những gì? Đó là bài học ư? Không, làm gì có bài học cay đắng và vô nghĩa ấy, dây chỉ là một … một cái gì Thuỳ không biết nữa, đó là lòng ghen tị hầu như tất yếu của người đời. Đã gọi là tất yếu sao Thuỳ còn thấy buồn đến xót xa thấm thía hở Thuỷ? Đây là cơ quan, là một môi trường mà khó khăn gian khổ trong từng giờ từng phút thử thách với một cô gái tiểu tư sản như mình. Có gì đâu, nếu Thuỳ đã sướng nhiều rồi thì bây giờ hãy nếm mùi chông gai cay đắng của cuộc đời. Biết sống sao đây, tốt hơn hết là Thuỳ hãy ngẩng cao đầu mà sống, sống với tình cảm trong trẻo, với lý tưởng cao đẹp của mình: “Hãy giữ vững tình cảm của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tương…” Nói vậy mà vẫn thấy xót xa, cay đắng và cô đơn lạ lùng. Quanh mình, M. xa rồi, Khiêm hy sinh rồi, Vân xa, chi Hai xa, Nghĩa thương xa… nỗi niềm tâm sự không phải dễ dàng thổ lộ với mọi người!
05-09-1968
Đêm chia tay với những học sinh. Lòng mình cũng bồi hồi xao xuyến. Trên chiếc ghế quen thuộc đêm nay chị ngồi bên em nghe em nói những lời thắm thiết tin yêu nhưng ngày mai em đi rồi. Em về chiến đấu với trăm nghìn khó khăn, gian khổ mong em hãy vững vàng. Chị rất hiểu em, người em đầy nghị lực, đầy niềm tin và sức mạnh nhưng… lấy gì để đảm bảo rằng em sẽ còn sống cho đến ngày chiến thắng. Em dũng cảm vô cùng, chị tự hào vì em nhưng tự đáy lòng chị vẫn lo âu… Sự lo âu rất chính đáng mà cũng rất sai, sự lo âu của một người nhìn người thân của mình lăn mình vào cuộc chiến đấu sinh tử. Chào em, chị nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài của em và đã đọc thấy trong đó tất cả những điều em muốn nói đó là lòng tin yêu, sự lo lắng cho chị và sự nhớ thương khi xa cách. Chị hiểu rồi, hứa với em chị sẽ xứng đáng là một người em đã tin cậy.
06-09-1968
Chiều nay khu rừng ồn ào những tiếng người bỗng dưng vắng lặng, chỉ còn lại tiếng gió gào rít trên ngọn cây kêu, tiếng ve kêu rên rĩ khắp khu rừng gió đã lạnh, ngọn gió của cơn bão hay ngọn gió lạnh của mùa thu đã về? Mình bỗng thấy lạnh, cái lạnh làm tê da thịt và tê tái cả lòng. Nỗi nhớ nhung tràn ngập cả tâm hồn. Đây phải chăng là một buổi chiều đầu mùa thu khi sương chiều giăng mờ trên những cách đồng ngoại thành Hà nội, một mình mình đạp xe từ ký túc xá về trên con đường vắng. Gió lạnh vi vút qua các ngọn cây bên đường, mình khẽ run khi qua một thân cây có hai nhánh. Không chiều nay gió lạnh nhưng lòng mình lạnh không phải vì thiếu một người thây yêu mà là thiếu nhiều người thân yêu. Những người đó là ai ư? Là ba má, là các em, các cậu ngoài Bắc, là những đứa em ở dưới đồng bằng đang ngày đêm lăn lộn trong cuộc chiến đấu sinh tử, là những người đồng chí thân yêu đã ngã xuống vì ngày mai thắng lợi và còn là ai nữa ư ? Phải chăng là những đứa con, những người đồng nghiệp trẻ mà bấy lâu nay vân quấn quít bên mình hăng say học tập. Tất cả mọi người đã tạo nên một tình thương vĩ đại đối với ta… xa mọi người sao thấy nhớ đến da diết vô vàn. Tố Hữu nói :
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đỉnh núi nắng chiều lưng rưng
Nhà thơ của tôi nói sao khong đúng với riêng mình nhỉ ? Bời vì nỗi nhớ với M. rất mờ nhạt thậm chí mình đã bắt mình quên đi nữa. Vậy thì Tố Hữu đã nói đúng vì.. M. đâu phải là người yêu ! Có ai yêu nhau mà lại như M. đối với mình đâu. Đó chỉ là một người bạn và đã là một người bạn thì chỉ có như vây ! Đâu phải là dễ dàng để mình nói như hôm này hở M
?
Nhật ký Đặng Thùy Trâm: tháng 9 năm 1968 (Phần 1/3)
Posted by Admin
On
Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010