banner

Nhật ký Đặng Thùy Trâm: tháng 8 năm 1968 (Phần 3/3)

Posted by Admin On Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

20-08-1968

Viết đơn vào Đảng, niềm vui thì ít mà nỗi bực dọc thì nhiều. Tại sao con đường đi của một đứa tiểu tư sản bao giờ cũng nhiều chông gai đến vậy? Đành rằng vì tính chất giai cấp nhưng mình thấy rất rõ một điều ngoài cái lẽ dĩ nhiên ấy, có một cái gì bắt bẻ, một cái gì gọi là bị bắt bí của một vài cá nhân có trách nhiệm chẳng biết nói sao, đời nó là vậy đó, dù thành tích anh có cố gắng bao nhiêu cũng không bằng một anh khác ở thành phần cơ bản chỉ vừa mới giác ngộ bước đầu. Hường hồi còn sống thường động viên mình rằng đó là chỗ hơn của một người tiểu tư sản!!! Hơn gì? Hơn bao khó khăn, hơn cực nhọc hở Hường, mình như một đứa con không gia dình lâu ngày tìm về mẹ nhưng người mẹ ghẻ còn bận nâng niu những đứa con riêng nên thờ ơ lạnh nhạt với đứa con chồng. Đảng! Người mẹ hiền vĩ đại, nhưng trong muôn người mẹ ấy có một người (mà chắc không phải một người đâu) mẹ y hệt là một bà mẹ ghẻ trong các chuyện cổ tích!



27-08-1968

Một ca mổ quan trọng đã kết quả. Thận dập nát đã được may lại, máu ngừng chảy, nước tiểu người bệnh nhân ấy đã trong lại bình thường. Lẽ ra niềm vui ấy sẽ tràn trề, một mạng người được cứu sống nhưng sao mình rất bình thản trước nụ cười và đôi mắt cảm phục của người bệnh nhân ấy. Một dòng máu ngừng chảy nhưng bao nhiêu dòng máu đã chảy và đang chảy? Phải hàn gắn được vết thương trên mình Tổ Quốc chúng ta kia. Bọn Mỹ như những con quỉ khát máu đang cắn trộm chúng ta bao giờ đuổi hết chúng ra khỏi đất Việt Nam, lúc đó máu mới ngừng chảy.



29-08-1968

Nhận thư Thuý Phượng từ Qui Nhơn gửi về. Chưa hề được gặp cô cháu xinh đẹp ấy nhưng mình thương Phượng vì lòng nhiệt tình, vì cuộc đời của Phượng. Trong dịp đầu xuân, Phượng trên đường đi tòng quân đã bị Mỵ tập kích bắn bị thương và ở tù từ đó đến nay. Vừa rồi Phượng đã thoát khỏi lao tù nhưng còn suy yếu nên chưa về được. Cầm lá thư Phượng gửi về, một tờ pơ lua dài nét chư mềm mại bỗng nhiên mình nhớ tới Khiêm và thương Khiêm vô hạn. Phượng là bạn học của Khiêm, rất quí Khiêm nếu còn sống mình hy vọng một tình cảm tốt đẹp sẽ đến với những người ấy. Hôm nay Phượng ở tù về nhưng Khiêm không còn nữa. Phượng ơi, nói như cháu đó những người đã ngã xuống một cách vẻ vang vậy là hạnh phúc rồi. Còn chúng ta... chúng ta cần phải sống với ngọn lửa căm thù cháy rực trong tim, phải dùng ngọn lửa ấy đót cháy kẻ thù. Nhớ nghe Phượng, hãy nhớ rằng trên mảnh đất hôm nay đã thấm đượm máu và nước mắt chúng ta 20 năm rồi!



30-08-1968

Mỗi ngày mới nghe tin thắng lợi trên hai miền đất nước, niềm vui tràn ngập, nhưng nỗi buồn cũng nặng chĩu tâm tư. Vì sao ư? Vì còn giặc Mỹ thì còn đau thương tang tóc, vì còn giặc Mỹ thì không có một hạnh phúc nào cả. Anh Liên vào chơi hỏi vì sao mình xử sự như xưa nay đã đối với M.? Vì sao hở anh, có trăm nghìn lý do mà em chẳng hiểu nên giải quyết cách nào khác, cách giải quyết của em. Anh tưởng rằng em không đau khổ ư? Không đâu, nụ cười trên môi không phải là nụ cười trong lòng. Em không muốn nghĩ tiếp nhưng điều mà càng nghĩ chỉ càng thấy buồn da diết. Em biết tin ai. Tin M. hay tin trăn nghì dư luận quanh chuyện riêng tư của em. Em làm theo ai? Theo mơ ước của em hay theo một thực tế mà rất nhiều người đã chỉ cho em thấy? Đừng hỏi nữa, tiếng súng trên chiến trường đang vang dậy, hãy lắng nghe tiếng súng ấy và hãy làm như khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng

One Response so far.
    Anonymous nói...
    lúc 22:39 7 tháng 10, 2011

    :((

Nội Quy Comment cho bài viết :
Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể Nhận xét bằng cách chọn Tên/URL không nên Ẩn danh. Với Tên/URL bạn có thể bỏ trống URL

:) :( :)) :(( =))