banner

Nhật ký Đặng Thùy Trâm: tháng 10 năm 1968 (Phần 1/3 )

Posted by Admin On Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

05-10-1968

Một ca tử vong sau phẫu thuật cắt đoạn. Đó là một bệnh nhân gần 66 tuổi nhưng sức còn khoe, đó là một Đảng viên già đã 23 năm trời liên tục chiến đấu. Gia đình và bệnh xá đã tận tình cứu chữa mà cũng không sao cứu thoát cho ông già. Riêng mình dù tập thể và chính bản thân con trai ông già đã xác định và thừa nhận mình không có lỗi mà chỉ có lòng tận tình cứu chữa nhưng mình vẫn thấy xót xa. Vì sao ông ta chết? Vì kỹ thuật? Cũng không phải tuy là ca đầu tiên cắt cụt nhưng mình cũng vẫn bình tĩnh vẫn đảm bảo thời gian và kỹ thuật. Vậy thì vì sao? Vì không truyền được lọ plasma? Nhưng sự việc này cũng không biết nói sao, cứ truyền vào đúng ven lại trật ra do ông già quẫy cựa. Buồn vô cùng! Một ca tử vong không đáng tử vong mà lại không rút ra được bài học gì đích đáng cả.



06-10-1968

Có những lời nửa đùa nửa thật ghen với tình thương mà mọi người đã giành cho mình. Mình cũng suy nghĩ về những lời đừa đó nhưng suy ra cho cùng đâu phải mọi người thương mình vì hai chữ “Bác sỹ”. Những lá thư thắm thiết, những món quà gửi đến mình, gửi gắm tình thương của nhiều người với một người thân, hoàn toàn không phài là lễ vật đối với một người thầy thuốc mà chỉ là tình cảm của người chị, người em, người anh, người bạn đối với mình mà thôi. Có điều mình đôi lúc mình cũng tự hỏi rằng người ta có thực hay không, sao mà nhiều đứa em, nhiều người bạn giành cho mình một vị trí duy nhất thương yêu trong tình cảm như vậy?



08-10-1968

Nắng đầu thu tươi vàng óng ả tràn ngập cả khu rừng. Nắng đầu thu với những cơn gió se môi và se cả lòng người, lại nhớ… nhớ mêng mông sâu thẳm như lòng đại dương đang ôm trọn thân mình của dải đất Việt Nam. Nhớ từ một người bạn hiền lành kín đáo có ngôi nhà nhỏ cuối phố Đội Cấn, nhớ đến đứa em tinh nghịch với mái tóc mềm kẹp nhổng lên cao, nhớ một đứa em trai miền Nam vừa gửi thư tạm biệt trước lúc lên đường đi học, nhớ một đứa em thân thiết có đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài và nhớ sao một người thân yêu đã vĩnh viễn nằm yên nghỉ trên bờ biển quê hương. Đất nước ơi! Bao giờ cho nhớ thương người bớt, bao giờ cho đất nước thanh bình? Mình biết ngày thắng lợi không xa nữa nhưng sao mà vẫn thấy hạnh phúc xa vời quá. Liệu có được thấy ngày hạnh phúc ấy nữa không? “Người cộng sản rất yêu cuộc sống nhưng khi cần có thể nhẹ nhàng mà chết được” Chết mà vẫn yêu sao cuộc sống, cuộc sống ta đã đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương suốt 23 năm nay.



10-10-1968

Kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô trên đất miền Nam rực lửa. Một cảm giác bồi hồi xao xuyến tràn ngập cả tâm hồn. Hà nội giải phóng… hình dáng tiều tuỵ của nhưng tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà nọi qua chiếc cầu Long biên đi về hướng bắc, Hà nội giải phóng 14 năm rồi, dù trong bom đạn Hà nội của ta vẫn đứng lên mạnh khoẻ mình vẫn nghe được tiếng cười trong trẻo của các em học sinh trên sân trường mầm non ở đường Hàng Bông Nhuộm, vẫn như nghe tiếng tàu điện leng keng chạy trên đường phố. Hà nội ơi, nhớ Hà nội bao nhiêu lại thương Sài gọn, Huế và hàng trăm thị xã thành phố trên mảnh đất còn đau thương khói lửa này bấy nhiêu. Cuộc chiến tranh này ác liệt chưa từng thấy và trong ác liệt ấy chúng ta đã chiến đấu dũng cảm kiên cường chưa từng thấy. Ai còn ai mất khi nứơc nhà đã độc lập? Nếu như mình có chết cũng đã được hưởng những ngày XHCN rồi. Còn trăm nghìn vạn những người lớn lên chỉ biết có đau thương gian khổ như Khiêm, Hường, Lý, Tuấn, Hùng, Thị… và rồi sẽ còn nhiều nữa ngã xuống mà chưa hề được hưởng một ngày hạnh phúc đau xót biết chừng nào!

Nội Quy Comment cho bài viết :
Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể Nhận xét bằng cách chọn Tên/URL không nên Ẩn danh. Với Tên/URL bạn có thể bỏ trống URL

:) :( :)) :(( =))