banner

Tập sách của Phan Thị Vàng Anh

Posted by Admin On Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011


tap van vang anh
TẠP VĂN PHAN THỊ VÀNG ANH là tập sách tập hợp các bài viết đã đăng trên các báo Thể thao – Văn hóa; Đại biểu Nhân dân; Tuổi trẻ; Tia sáng; Thời báo Kinh tế Sài Gòn… từ năm 1988 đến 2010 của nhà văn Phan Thị Vàng Anh. Các bài viết đề cập đến các vấn đề về đất nước, con người Việt Nam với cái nhìn của một công dân có trách nhiệm, từ chuyện tiểu tiết đến các vấn đề thời sự nóng hổi, từ chuyện vi mô đến chuyện vĩ mô. Dù viết về vấn đề gì thì sau mỗi bài viết đều đọng lại trong lòng người đọc những câu hỏi dạng câu lớn…
Tác Giả: Phan Thị Vàng Anh
Khổ sách: 13x20cm
Số trang: 320
Năm xuất bản: 09/2011

truyen ngan vang anh
Cuốn sách giới thiệu tuyển chọn 43 truyện ngắn của nhà văn Phan Thị Vàng Anh: Khi người ta trẻ, Chuyện trẻ con, Hội chợ,… Tất cả đều phản ánh một cách nhìn về cuộc sống của những người trẻ hôm nay: công việc của họ, tình cảm và cả lối suy nghĩ khác, các cách làm việc khác…
Tác Giả: Phan Thị Vàng Anh
Khổ sách: 13x20cm
Số trang: 292
Năm xuất bản: 09/2011

=======================================================


Xa Nhà - Phan Thị Vàng Anh

B uổi sáng, lúc đánh răng, bọt còn bám vòng quanh mép, Hương hỏi Tuyền: "Cái thời kỳ đẹp đẽ ấy đâu mất rồi?".
Hương chở Tuyền đi làm. Trên đường Giảng Võ, những cây dâu da xoan đội hoa trắng ngà. Dưới bóng những cây cơm nguội, chợ người Giảng Võ nằm, ngồi trễ nải, lơ mơ ngủ ngày. Nắng tháng năm mới tám giờ đã gay gắt. Hương nói giờ này chắc anh ấy còn ngủ trong chăn, anh ấy nóng mấy cũng ngủ trong chăn, tao biết, với máy nhắn tin khóa lại yên lành... Tuyền đến nơi làm việc sớm hơn lệ thường, lòng đinh ninh từ hôm nay mình phải thành một người khác.
ở cơ quan mới chỉ có chị lao công lúi húi dùng miếng bọt biển ngày thường vẫn lau bàn để rửa cốc. Cốc thủy tinh hoa xanh, đỏ va nhau leng keng trong chậu lõng bõng xà phòng. Chị lấy tay che miếng bọt biển khi Tuyền đi qua. Tuyền hỏi sáng nay chị đến đây lúc mấy giờ, chị bẽn lẽn: "Bảy giờ". Quả thật cái hành động đến sớm từ lúc bảy giờ để có thể lấy bọt biển lau bàn rửa cốc thì đành phải lén lút thôi. Đi ngang điện thoại, Tuyền định gọi về khách sạn, dặn nếu có ai gọi đến thì chuyển giùm đến số này, số này..., lại thôi, lại tự khuyến khích, nào, cứng rắn lên, anh ấy cần thì anh ấy sẽ tìm ra; biết đâu đến mười hai giờ trưa anh ấy lại chán ăn cơm một mình, anh ấy sẽ tự biết cách gọi đến đây, cô thư ký sẽ véo von gọi Tuyền: "Điện thoại chị Tuyền", rồi: "alô. Ai đấy...". Tích tắc chỉ một giây để đoán là ai, hy vọng là ai, cái giây hồi hộp ấy cũng như giai đoạn úp mở của tình yêu, ngắn ngủi và giật gân...
Tuyền ngập ngừng đứng bên bàn điện thoại, nghe tiếng máy xe Honda nổ lạch tạch nghẹn ngào vài tiếng rồi lại tắt, rồi tiếng đạp máy nhẫn nại, dưới sân. Tuyền ra ngoài lan can, nhìn xuống thấy cái lưng Hương mướt mồ hôi trong nắng hè gay gắt. Tuyền chạy vòng xuống, nhảy mỗi bước hai bậc cầu thang, trong đầu bói nhanh nếu cuối cùng không lẻ bậc nào thì trưa nay anh ấy gọi... Không lẻ bậc nào nhưng Hương nhăn nhó, tay túm cái váy dúm dó như một đống giẻ hoa. Tuyền đạp máy thử vài cái rồi cố giữ vẻ bình thản, công tâm, bảo: "Hay mày nhắn tin cho anh ấy đến đem xe đi sửa?". Hương ngồi lên xe, buông váy, vừa cương quyết đạp máy vừa nói: "Thôi! Bây giờ có còn như ngày trước đâu mà nhờ!". Cái xe nghe đến đấy chắc cũng biết nước cùng, chợt nổ máy giòn giã một cách bất ngờ. Hương cười hớn hở: "Được rồi! Thấy chưa". Rồi chạy xe thẳng ra cổng, bộ điệu có vẻ còn rất hồi hộp không biết cái xe có còn giở chứng nữa không. Tuyền lại lên nhà trên. Cốc tách đã rửa xong, úp bóng lộn trên khay. Tí nữa mọi người sẽ uống trà.
Tóm tắt, thời kỳ đẹp đẽ mà Hương nói ấy kéo dài được hơn hai tháng và chấm dứt cách đây một tuần.
Khi ấy, Hà Nội cũng chưa nóng như bây giờ, hầu như mỗi buổi trưa ba anh em đều đi bộ dọc con phố nhỏ đầy những quán cơm bình dân với những ông chủ mặc may ô, tay cầm sổ, tay cầm bút, vừa hỏi vừa ghi ngoay ngoáy không nhìn mặt khách: "Anh dùng gì?". Hương ngày nào cũng phải có canh cua và nhộng rang. Anh bữa nào cũng một chai bia và Tuyền thì chỉ ước giờ ăn trưa kéo dài ra mãi. Rồi cả ba đi uống nước để lê la câu giờ cho đến khi Tuyền đi làm. Hương thêm, chưa đủ, thời kỳ đẹp đẽ ấy chúng mình còn hay đi chùa, không nhớ à, những ngôi chùa với rơm rạ phơi quanh, mái đỏ, gỗ mới với mấy anh thợ của đội trùng tu vừa bào bào đục đục, vừa liếc gái, miệng hát ngân nga sai bét nhạc... Rồi chúng mình ngồi quanh chị bán kẹo lạc, ăn dưa chuột, anh ấy thì uống nước chè...
Tuyền người Hà Nội mà cũng như không phải Hà Nội. Tuyền đã sống ở Sài Gòn hai mươi năm. Con trai Sài Gòn hiền lành, đến nhà còn khoanh tay chào ba mẹ Tuyền như trẻ con tiểu học. Anh Hà Nội chính gốc, là kết tinh của hoa sữa, của hồ sen lá lật, của phố cổ quấn quít. Anh "tinh vi". Anh không khoanh tay chào ba Tuyền khi ông ra bắc họp. Anh ngồi đánh cờ ung dung nhưng kín đáo nhường ba Tuyền phần thắng, mà không phải thắng dễ dàng, ở đây thắng hả hê, vỗ đùi hú vía.
... Hương nói, tiếc nhỉ, nếu mày kể cho tao nghe hết thì chuyện này đã không hỏng thế rồi. Hương khụt khịt mũi, tiếc thật, vì tao biết tính anh ấy lắm. Anh ấy hay, thế nên tao mới muốn tác hợp mọi người. Mà, Hương hỏi, nói thật đi, mày đã làm gì anh ấy? Tuyền cười, bảo, chịu, chắc tại tao không còn tinh tế như con gái Hà Nội nữa, tao không biết giấu tình cảm, khi nào tao muốn gặp, tao nhắn tin... Hương cắt ngang: "Thế là đủ hỏng rồi! Sao mày lại rủ trước? Anh ấy thế mà cổ điển lắm, tao biết mà!". Rồi Hương nói như mẹ dạy con: "Phải dền dứ cơ... à, hóa ra là tại anh ấy sợ đấy!".
Phải dền dứ vì nếu không thì anh ấy sợ. Tự nhiên Hương làm Tuyền so sánh lố bịch một người đàn ông với một bông hoa mỏng manh trắng muốt. Tuyền thấy cũng hơi nực cười nhưng cũng nghĩ là từ hôm nay mình nên trở thành một người khác. Tuyền phải thành Hương.
ở chỗ làm, chín giờ, chị Khánh mới vào, chị nói bâng quơ: "Đường với xá, hở tí là tắc xe!" rồi chị bỏ lên bàn bịch mận; gói muối ớt buộc không chặt theo đó rơi ra vung vãi. Xong, chị vịn vai thân mật anh Quang và Tuyền: "Mọi người uống gì để tôi rót luôn thể nào?". Anh Quang, hai chân gác lên bàn, miệng rít thuốc khét mù, mắt nhìn vào màn hình Tuyền đang đánh, trả lời: "Trà chanh, như mọi ngày!". Tuyền định cản mọi người bằng câu chuyện về miếng bọt biển rửa cốc, lại thôi, nhớ ra một trong những thói quen mình phải thay đổi là thói nhiều chuyện.
Chị Khánh bưng trà ra. Lúc này Tuyền mới nhìn, quầng mắt chị thâm thâm thiếu ngủ và buồn nữa. Chị xòe tay ra với anh Quang: "Cho điếu thuốc", anh Quang vứt bao thuốc và bao diêm sang chỗ chị, mắt vẫn nhìn theo những hàng chữ Tuyền đánh, chân vẫn gác lên bàn. Chị Khánh châm phải đến bốn que diêm mới đốt được điếu thuốc, ngay khi chị thở ra bụm khói đầu tiên, anh Quang tủm tỉm cười, vỗ vai chị: "Bồ bỏ phải không?". Chị Khánh không trả lời, thả thêm bụm khói nữa làm mù mịt cả một vùng. Không khí tự nhiên sượng sùng hẳn, Tuyền thấy khó chịu nên nhón một quả mận, tiện tay khoắng vào cái bao xốp cho nó tạo ra tiếng động, không khí nhờ thế loãng ra một chút.
Chị Khánh gạt tàn thuốc vào trong lòng bàn tay. Tay chị trắng và mũm mĩm như những bàn tay quảng cáo cho tiệm kim hoàn. Hết điếu thuốc, chị vừa nghịch tàn thuốc, mặt lại bần thần như muốn nói gì đó. Anh Quang thấy thế nhưng lờ đi, anh dí hẳn một ngón tay vào màn hình, bảo Tuyền: "Em đánh thừa hai chữ phải!". Chị Khánh lại bỏ tàn thuốc vào trong lòng bàn tay trắng mà nghịch. Nước mắt chị chảy xuống ròng ròng. Anh Quang rút một điếu thuốc ra châm, quẹt một phát là diêm cháy bừng bừng. Anh cười dễ thương: "Không việc gì phải thế, không việc gì phải thế. Ngày xưa có lần tao còn định tự tử cơ, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười". Chị Khánh ngước mặt mỉm cười, mắt chị ngơ ngẩn và mũi chị đỏ ửng. Anh Quang ra lệnh: "Nghỉ vài phút đi". Rồi anh vươn tay khoác vai chị Khánh: "Trưa nay ba đứa mình đi nhậu đi!". Chị Khánh gật đầu, như một pha cận cảnh, nước mắt lại rơi ào ạt xuống đống tàn thuốc trong lòng bàn tay.
Trưa đó, cả ba đi nhậu. Đậu phụ luộc, dồi trường, bia tươi. Trong quán, giấy ăn xanh và hồng vứt bừa bãi đầy sàn. Khi đã ngà ngà, chở chị Khánh ngang đường Cổ Ngư rợp bằng lăng và nóng như lò lửa, Tuyền an ủi chị, chuyện yêu đương chắc là có trời sắp sẵn. Như một kịch bản chúng ta đang viết đây với mọi việc đã phân cảnh. Hôm qua chị vui bên người yêu là một cảnh nhé. Hôm nay chị khóc vì người yêu cũng là một cảnh. Tất cả đều đã lên lịch, mình chỉ diễn lại, buồn, vui quá mà làm gì. Rồi Tuyền chợt nghĩ, nếu theo kịch bản đó trưa nay anh ăn cơm với ai?
***
Hương nói: "Trưa qua chúng tao đi ăn cơm với nhau. Để nhớ đến mày, chúng tao quyết định ăn những món mà mày vẫn ăn!". "Tưởng niệm à? Rồi sao nữa?". "Anh ấy rủ tao đi ăn kem gần Bờ Hồ, anh ấy bảo mày thích ăn kem dâu". "Thế anh ấy ăn kem gì?". "Anh ấy uống cà-phê. Tối qua anh ấy có gọi cho mày không?". "Không!". "Mày có nhắn tin không?". "không!". "Buồn nhỉ! Hội chúng ta tan rã sao!". Hương thở dài mà mặt thanh thản, váy hoa phấp phới bước qua đường, đi thẳng vào cửa hàng bách hóa treo đầy túi du lịch đỏ xanh cùng quầy điện máy nhìn ảm đạm như đồ mã. Hương sà qua hàng kính, đeo thử vài đôi giả Hồng Công, nghiêng qua nghiêng lại khuôn mặt bé tí teo trong cái gương thử. "Mua để chủ nhật còn đi chùa!". Hương không rủ, Tuyền không hỏi làm gì. Đi ngang cái cột nhà có ốp kính, vô tình Tuyền nhìn vào, thấy sao mà mình xấu thế, đến mình còn không chịu nổi mình như thế này thì trách gì người khác! Hình như đã lâu lắm rồi Tuyền tránh soi những cái gương công cộng: tiệm cắt tóc, trong hiệu ăn và cả những cái gương con thử kính râm.
Tuyền rủ Hương đi ăn kem. Anh ấy nói Tuyền thích ăn kem dâu! Tuyền gọi kem dâu xem thử mùi vị nó ra sao. Vì sao hôm qua mọi người đi không rủ Tuyền? Vì sao Hương lại không giấu Tuyền? Hay anh gặp "bà mai" để bàn việc nối lại thời kỳ đẹp đẽ? Bên Bờ Hồ, trời lặng không một vẩy gió, từ quán kem nhìn ra, Tuyền thấy chị Khánh ngồi hút thuốc một mình trên ghế đá.
Anh Quang đã nổi cáu nói với chị Khánh thà không đi làm còn hơn, chứ đi như thế này đầu độc không khí quá. Anh nói, sự kiên nhẫn của người đàn ông chỉ đi kèm với tình yêu thôi, mà ở đây, "tôi với bà không phải là bồ bịch!". Chị Khánh, mắt ngày càng thâm, lơ đãng nói: "tôi biết, tôi không là gì với bất cứ ai!". Tuyền giảng hòa bằng cách lấy trà chanh cho hai người. Anh Quang hỏi Tuyền sao dạo này anh không thấy em uống trà nữa, Tuyền mà kể việc ly tách ở đây được rửa bằng bọt biển lau bàn thì mọi người lại trách "sao bây giờ mới nói", Tuyền bảo tại trà làm Tuyền khó ngủ trưa. Anh Quang lại nói với chị Khánh: "Thôi, về nghỉ đi, chừng nào bình tĩnh hãy đi làm!", xong, với dáng điệu chỉ huy anh bảo Tuyền: "Em đánh máy đi, anh và em gánh việc cho nó!".
Anh Quang đọc, Tuyền đánh máy, chị Khánh lặng yên. Không chịu về, dễ đến hai tiếng đồng hồ nặng nề như thế. Cuối cùng, chịu không nổi, anh Quang gắt: "Về hộ đi, chiều nay nghỉ, đằng nào cũng thứ bảy rồi!". Chị Khánh đứng vụt lên, đi thẳng xuống nhà. Anh Quang đợi chị đi khuất cầu thang, nhếch mép cười: "Không chịu nổi mấy đứa vác mặt thất tình ra đường!". Tuyền nói, sao hôm trước anh lại có vẻ thông cảm thế, lại còn đi nhậu...? Anh Quang cười khì, ném đầu mẩu thuốc vào góc tường: "Ai mà thông cảm mãi được!". Tuyền nói, nhưng em không thích thái độ của anh hôm nay. Tuyền lấy xe đuổi theo chị Khánh để chở chị về. Chị nói, chị mệt mỏi quá, về lại căn nhà một mình, chị không biết làm gì. Tuyền nói, em cũng thế, ở xa nhà, trong phòng khách sạn người ta thuê, em cũng không muốn làm gì dù rất nhiều việc, may mà ngoài này có Hương... Chị Khánh thêm, buồn nhất là khoảng năm rưỡi, sáu giờ tối, đúng không? Lúc mà ai cũng đã về nhà ăn cơm và mình thì không có một cuộc hẹn nào trước mặt... Tuyền nói, đúng rồi, cũng như thế với ngày chủ nhật. Chị Khánh buồn buồn, ngày mai chủ nhật, làm gì cho qua một ngày chủ nhật. Tuyền nói hay mình đi chùa không, ngôi chùa Hương hay dẫn em đi, cách xa thành phố, đẹp và vắng vẻ, với sư thầy cũng hút thuốc lá ngồi trông đội trùng tu...
***
Hai chị em thắp hương xong thì một bà vãi mời ra uống nước. Sân chùa, rơm rạ phơi đầy, nắng chói chang làm những bông mẫu đơn đỏ nhìn thêm nhức mắt. Chị Khánh, vẻ mặt thoát tục, ngồi gọt dưa chuột, nghe bà vãi rù rì lịch sử chùa. Tuyền đi vòng quanh, trong điện mát rượi, những cột gỗ mơ hồ ken két tiếng mọt nghiến, Tuyền định đi báo đội trùng tu nhưng hôm nay họ nghỉ, bên những bàn mộc, dăm bào ai đã vun thành đống. Tuyền bỗng nhớ những lần đi chùa cùng anh và Hương quá. Hương giày vải, váy hoa, ôm vai Tuyền bên bậc cửa để anh chụp ảnh. Tuyền muốn chiều về mình sẽ nhắn tin rủ mọi người ăn cơm niêu. Hương thể nào cũng trách: "Sao lại rủ trước? Sao không dền dứ?". Nhưng, Tuyền dền dứ làm gì cơ chứ, đây có phải mua bán đâu mà phải dền dứ? Đằng nào Tuyền cũng quay về Sài Gòn mà. Bây giờ, Tuyền xa nhà, Tuyền mỗi ngày trong khách sạn sợ những giờ cơm chiều một mình. Tuyền chỉ cần có người cùng ăn cơm trong những lúc xa nhà. Vả lại dền dứ làm gì; đêm qua, sau bao nhiêu ngày không tăm tích, anh đã gọi điện lại rồi. Anh gọi, giọng trách móc, chắc anh cay cú vì phải gọi trước. Tuyền buồn cười. ừ, ít ra Hương cũng có lý, nếu chiều nay Tuyền không rủ, kiên trì đợi hai, ba bữa thể nào anh cũng phải rủ Tuyền. Nhưng Tuyền muốn đi cơm niêu ngay chiều nay, Tuyền muốn có mọi người cùng đi ăn ngay chiều nay.
... Tuyền tha thẩn sang khu nhà thờ phụ lúc nào không biết. ở đây, đội trùng du chưa động tới, các bức tượng chưa bị sơn đỏ môi và tô trắng mặt, ngồi nhìn ra vườn nhãn rì rào lá. Mặt tượng như thể mặt những người từng sống trong làng. Tuyền không có cảm giác đang ở trong chùa. Tuyền ước có cái phản để nằm lăn ra ngủ. Hay là ra ngoài hè, nằm dài sau cánh cửa, trên đầu là nhãn che?... Ngoài hè mát, sau cánh cửa gỗ, có tiếng rì rầm, rồi tiếng con gái cười khúc khích, khúc khích, đúng giọng Hương. Tuyền đi ra, bước qua bậc cửa, bên hè, Hương chúm chím mút hoa dong riềng, còn anh đang xoe xoe một cọng rơm vàng mướt... Cả hai giật mình nhìn Tuyền. Hương gỡ rối nhanh nhẩu: "Sáng nay gọi đến thì mày đi mất rồi!". Tuyền bảo: "ừ, tao đi sớm". Anh lúng túng, hỏi; "Em đi với ai". "Với một chị buồn vì tình đang ngồi ngoài kia ăn dưa chuột." Tuyền trả lời anh rồi ngồi xuống cạnh Hương. Cái bực đá mát lạnh và vườn nhãn rì rào, rì rào. Tuyền mệt quá, Tuyền muốn nằm xuống ngủ. Tuyền nhặt một bông hoa dong riềng trên tay Hương mút thử, Hương bảo: "Ngọt không?", Tuyền gật đầu, mút thêm bông nữa, rồi không còn đắn đo gì nữa, Tuyền hỏi: "Chiều nay chúng mình đi ăn cơm niêu không?". Anh và Hương nhìn nhau bối rối không biết có nên nhận lời không.
Tuyền nằm xuống bậc đá mát lạnh và nhắm mắt để khỏi phải thấy cách họ trả lời... Tuyền dựa chân vào lưng Hương để Hương bình tĩnh lại. Tuyền chợt thấy mình chẳng còn dính líu gì đến nơi này cả. Tuyền nhớ nhà quá rồi. Tuyền mong đến sáng mai. Sáng mai, Tuyền mua vé về lại thành phố.







=====================================================================



Chuyện Hồng
*******************


1. Khi mới quen cô gái nào, một trong những câu chuyện đầu tiên Lâm phải kể là chuyện vườn hồng nhà anh. Vườn nhỏ thôi, chừng sáu mươi mét vuông, có hàng rào lè tè bằng gỗ sơn trắng, trông sang những mảnh vườn hàng xóm cũng vuông vức như thể khăn tay, xanh um. Trước cổng nhà có một đoạn mương chảy ngang, dưới thả bông súng tím, trên là chiếc cầu gỗ... Khi mới chuyển về, vườn đầy cỏ. Dọn dẹp đâu đó xong, cả nhà hỏi nhau: " Trồng gì?" Mẹ Lâm đòi trồng cải và mùng tơi. Bé Mị nói trồng một cây ổi, một cây mận, một cây cerise, một cây cóc... cho thỏa chí ăn quà vặt. Ba Lâm lại chỉ muốn trồng hồng và cỏ nhung, nhớ cái thời chỉ được chăm hoa trên mấy chậu sành trên gác... Lâm muốn cả nhà đều vui, anh nói ba cứ làm vườn hồng rồi cố gây một mảng cỏ nhung ở giữa, hàng rào sơn trắng để mùng tơi leo, dọc theo đoạn mương ngắn cắm hai cây ổi con cho bé Mị. Nhà Lâm trước nay vẫn thế, không ai phải tranh chấp với ai bao giờ.

2. Một năm vườn cỏ đã xanh. Lâm cũng đã có vài bạn gái hơi thân mà lựa chọn. Bé Mị về nói với mẹ, con thấy anh Lâm đi ăn kem với chị kia, mặt đen đen mà xinh lắm. Bà mẹ gạt đi, bảo: "Bạn thôi!". Các bà mẹ đều mong đứa con trai mới lớn của mình chỉ coi bọn con gái là "bạn", họ khó mà chia xẻ con mình với ai! Bé Mị lại mách, hơi lưỡng lự rằng có vẻ như dạo này ba đẻ cho anh Lâm cắt hoa hồng đi tặng bạn. Bà mẹ thấy lo, vậy là đã có một cuộc nói chuyện giữa đàn ông với nhau rồi, có nghĩa là chuyện nghiêm chỉnh rồi, và bà hơi khó chịu.

... Lâm thấy thật là vướng víu khi cầm cành hồng mập mạp, lởm chởm gai nhọn, đi xe ngược gió đến nhà cô bạn gái. Anh đã mang đến nhiều lần, mỗi lần một bông đẹp nhất vườn vừa mới bung nhẹ cánh. Mỗi lần một màu, khi vàng, khi đỏ thẫm, lúc lại cam cam, và mấy cô em trong nhà ngó ngó xem xem, nhìn nhau như hỏi màu hoa ấy nói lên điều gì. Cái thái độ quan trọng hóa vấn đề ấy làm Lâm hơi bực mình, anh nghĩ: "Gớm, chúng mày ..." nhưng quên ngay khi cô bạn gái rất kiểu cánh ngửi hoa, khen thơm quá, rồi cắm vào cái độc bình bằng sơn mài bé con. Nghi lễ tặng hoa thế là xong, và người ta nói sang chuyện khác...

3. Rồi cô gái ấy cũng không xong, bà mẹ Lâm dáng hiểu đời, bảo "Trẻ con cả mà! Còn hỏng nhiều lần!". Ông bố đã gây được cỏ nhung, từng cụm, từng cụm tròn như nắm cơm úp trên đất mịn. Bé Mị bảo chừng nào cỏ lan ra hết, thành cái thảm, tối tối em sẽ ra đây nằm chơi, rồi em sẽ học cách ba chăm sóc vườn hoa, em làm thủ quỹ, ai muốn lấy hồng đi đâu phải hỏi. Lâm hơi buồn, anh biết lần này mình không được tặng hoa dù bé Mi có tự tay cắt cho, cô gái mới lần này như một con mồi cả trường cùng săn, cô ta đàng điếm mà trẻ con, làm như không cần che chở mà rút cuộc anh nào cũng mong được nhảy vào che chở. Cô ta không cần những trò lãng mạn nho nhỏ như chép vở tặng hoa. Lâm đi chơi vài lần tháy ngày càng khó đi về đâu mà không dứt ra dược. Mẹ Lâm nói:" con sao gầy đen đúa, lo âu!". Một tối kia Lâm về, thấy ba soi đèn pin bắt sâu hồng, anh chống xe, xuống ngồi trên núm cỏ, ông bố xót lắm mà không nỡ kêu con ngồi ra chỗ khác, ông hỏi:"Com mệt móilăm phải không?". Lâm bảo:"Vâng!". Ông bố soi đèn qua một góc hồng khác, cười nhẹ:"Xưa, ba cũng như coc, lận đận mãi mới gặp mẹ con. Cũng có nhiều chuyện tưởng như không quên rồi cũng quên được hết!". Lâm cúi đầu, như nghẹn giọng:"Nhưng lần này chắc con cũng không quên!". Rồi anh đi vào nhà, sáng ra tỉnh giấc thấy một ngày trước mặt như gánh nặng không thể mang nổi, rồi tự thề:"Từ nay mình sẽ không yêu".

4. Lời thề lâu dần mọi người cũng biết. Khi thấy Lâm chở Ngân đi ngang ký túc xá, mấy thằng bạn hỏi:"Đã yêu lại chưa?". Lâm cười, anh không dám nói "chưa", anh sợ đến tai Ngân, tội nghiệp. Ngân hiền, cả nhà cô đều hiền, mỗi khi Lâm tới chơi thấy mọi người cư xử với nhau đôn hậu như những gia đình trong sách tập đọc, đại loại theo kiểu: " Mẹ đi làm đồng về, Tí vội đỡ cuốc mang vào, Tèo bưng bát nước ra rồi phe phẩy quạt cho mẹ ... Sau đó cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm vừa chín tới...". Lâm chở Ngân đi chơi, thấy cứ hiền hiền, không ai cãi cọ ai, ttrêu chọc ai, lại thấy nhớ ngày xưa đi chơi vui biết bao nhiêu, sao đứa con gái hồi ấy có thật lắm trò để mình như chết đi sống lại!

Và Lâm cũng chẳng tặng hoa vườn, chẳng kể về vườn. Đôi khi nhớ lại anh thấy mình buồn cười, sao hồi ấy bỏ công nhiều đến thế. Sinh nhật Ngân, anh chở thằng bạn đi mua một bó hồng, nó hỏi:"Mày có một vườn cơ mà?" Lâm bảo: "Rắc rối, để người ta bó cho xong!". Anh đưa hoa cho Ngân thấy mình không run rẩy chút nào, lại còn nói được một câu chúc mừng đúng cú pháp, trong khi Ngân bối rối hết sức với bó hoa, cô ôm nó vào tay rồi tay kia. Bà mẹ bảo, để mẹ cắm cho, con đi chơi đi, và Lâm tự nhủ: "Từ nay, mình phải có trách nhiệm với họ!".

Lâm thử đếm, lọ hoa đã được dời chổ mấy lần. Tối sinh nhật, nó ở trên bàn, sáng hôm sau đã chẳng thấy đâu. Ngân bảo: "Em đem lân phòng". Hôm sau nữa lại thấy trên tủ sách. Lâm không hỏi, anh nghĩ để đâu cũng được, nhưng Ngân vội vàng giải thích, cái phòng bé mà nóng quá, em sợ hoa héo mất, phải đem ra đây. Rồi cô dứng lên, chỉ quạt trần xoay vù vù trên đầu: "Gió quá, để em tìm chổ khác cất đi, anh há!". Lâm chợt thấy thương Ngân vô kể, anh kéo tay áo cô: "Ngồi xuống đi em, kệ nó! Hoa là để chơi thôi, rồi cũng tàn, việc gì emphải vất vả!". Ngân ngồi xuống, cô thu mình lại, nói rụt rè: "Không biết người khác thì sao, còn em nhận hoa thì khổ sở hết mấy ngày, cứ loay hoay giữ cho nó lâu tàn...". "Tàn rồi vứt vào đâu cũng áy náy phai rkhông?"- Lâm tiếp lời. Ngân sợ sệt cười, thú nhận, và Lâm như người từng trải, thầm vui sướng đánh giá: "Cô ta mới yêu lần đầu!".

5. Cỏ nhung đã mọc tham rdày. Tối, Lâm trở về nhà, thấy ba anh và Mị soi đèn tìm sâu bên những cây hồng cao ngất. Họ vui vẻ hỏi anh: "Đã cần hồng chưa?". Lâm cười: "Có loại nào không héo thì cho!'' Ba anh nói, chậm rãi: "Cái gì mà không tàn!". Lâm bảo: "Làm sao con giải thích điều ấy với bồ hả va!". Rồi hai cha con cười hà hà, Mị kêu lên: "Mấy người này nói chuyện thật khó hiểu!". Lâm muốn đùa: "Trong nhà mình còn em thuộc loại tin hoa không tàn thôi đấy!", rồi lại thôi. Anh nghĩ nói trước làm gì, cứ để một ngày sẽ có một thằng đến giải thích "không lời" cho Mị về điều đó.

Trăng trôi, và Lâm nằm nhìn trời, thấy bình an khi nghĩ về Ngân, tưởng tượng ra cảnh cô đang loay hoay với lọ hồng chợ. Tự nhiên anh muốn khoe với cô về mảnh vườn nhà, về hàng rào mồng tơi với đoạn mương đầy sung tím, về bãi cỏ nhung, về những hoa hồng đã bao nhiêu năm rồi anh chưa tặng lại.









=====================================================================



Học trò cưng
Phan Thị Vàng Anh
***********************




Trong đám trò nhỏ đó, cô thương nhất em. Cậu học trò ngồi dãy giữa, bàn hai, chỉ cần năm phút sau khi tiết một bắt đầu là dép đi đằng dép, chân đi đằng chân. Em nhỏ thó, tóc mỗi tháng mỗi kiểu, có lẽ do bố em không chủ động được tay kéo. Mỗi sáng, em được bố chở đến trường, có bữa là mẹ em. Mẹ em đẹp người. Em giống mẹ. Em học lớp Ba.



Mặc dù đã luôn tự nhủ: "Phải yêu thương đồng đều!" nhưng cô vẫn thương em hơn hẳn. Không chỉ tại em giỏi nhất lớp, (năm nào mà chẳng có trò giỏi nhất lớp), còn tại một cái gì đấy không rõ làm cô luôn dịu xuống trước em. Em trả bài vấp (chuyện này hiếm), cô cứu em bằng câu hỏi giữa chừng, vì cô nghĩ tối qua cúp điện, đến cô người lớn chấm bài còn nhức mắt, làm sao bắt em còn bé mà phải học với đèn dầu. Em đi học trễ, cô nghĩ ngay ra chắc lại hỏng xe, thấy tội nghiệp em hớt hải đi vào, cô chọn cái nhìn thật dịu dàng, biết chắc là khối đứa bạn em đang ganh tị.



Cô nhớ buổi sáng cái ngày ba em tự tử. Ðưa em đến trường, ba em mặc áo ca-rô, thả em xuống xong, còn đứng nhìn theo em xốc lại ba-lô, vào cổng. Mẹ em khác, mẹ em không bao giờ nhìn như thế. Tự nhiên lúc ấy cô nghĩ, em học giỏi là di truyền từ ba. Ba em tự tử vì chuyện gì không rõ, hình như nợ nần, vỡ hụi, hình như ông chủ đòi nhà...



Từ đó, em đi học một mình. Cô đi trên đường thấy em nhỏ thó, tóc cắt thật cao kiểu để dùng một lần cho mấy tháng, cứ đi một quãng lại xốc ba-lô lên. Những cái xe tải thỉnh thoảng chạy qua tung bụi mịt mùng che cả em, cô sợ quá. Cô nói em lên ngồi cô chở, em ngồi ngoan như trong lớp vẫn ngồi. Cô hỏi các anh của em làm gì, em bảo một anh thì đi học, một người đi xây nhà. Thế còn mẹ em, cô hỏi, mẹ em nấu cơm với giặt đồ, còn ba em chết rồi, em nói ngây thơ, nhẹ nhàng như thể ba về quê Quảng Ngãi, mấy bữa nữa về thể nào cũng mang theo đường phổi.



Nhưng từ đó, em học sút hẳn. Vẫn nhất lớp, nhưng cái cách nhất của em không được như xưa. Hai tháng sau, dù thương, cô vẫn phải để em tụt xuống hạng hai. Họp phụ huynh, thay cho ba em nghiêm túc mọi khi là anh em, mặt hiền lành nhưng non choẹt, cả buổi họp cứ nhấp nhổm nhìn ra hành lang có cô giáo mới về trường đi qua. Anh của em nghe thông báo em học kém đi rất chăm chú, đầu gật gật, nhưng cô chắc là anh ấy chẳng nghĩ gì, cô sợ những người đi họp kiểu này. Cô lại biết, đây là người học cao nhất nhà em, cô đâm lo, ai sẽ dạy em đây?



Cô quyết định, một chiều kia, đến nhà em. Có mình em ở nhà ngồi bệt dưới sàn, kê vở lên cái ghế con, làm toán. Em bảo cô đợi, em chạy đi gọi ầm trong xóm, mẹ em từ trong một nhà nào đó vội ra. Ngồi ở đây cô còn nghe tiếng mẹ em dặn dò hàng xóm: "Cô giáo tới hả?... Ðợi chút nha, ê... hay mày chơi giùm tao ván này đi". Cô ngồi lật loe hoe hai, ba tờ báo cũ mèm, nghĩ, cô đến làm mẹ em dở dang buổi xòe bài cùng hàng xóm, cô nghĩ chắc tại ba em mất, mẹ em phải giải khuây... Chiều đó, mẹ em cho phép cô đón em về nhà cô một tuần ba buổi chiều, mẹ em hỏi gọn lỏn: "Chịu không?", em ngượng nghịu nhìn cô cười, dựa vào mẹ, gật đầu. Khi cô ra về, mẹ em cùng em tiễn ra cổng, mẹ em hỏi: "Vậy là từ chiều mai, hả cô?".



Thế là em đến nhà cô vào Ba, Năm, Bảy. Cô dạy em học. Cô biết thế là cô thiếu công bằng, những buổi học thế này, đáng lẽ cô phải dành cho trò kém. Nhưng, cô tự bênh vực mình, mình mới ra nghề, mình còn trẻ, phần bản năng trong mình còn lớn... Mình thích sao thì làm vậy, thế thôi. Cô nhìn em ngồi chênh vênh trên ghế ăn cơm với bà, hai chân đong đưa, quần tây cũn cỡn... Buổi tối, cô chưa kịp nói, bà đã bảo để bà mua miếng vải may quần mới cho em, nhưng, bà dặn thêm, mình may chứ đừng đưa cho mẹ nó.



Khi em đã quen với nhà cô, quen cả với mấy con chó đến mức nó đùa được với em thì mẹ em đòi em lại. Một buổi chiều, mẹ em dẫn em đến nhà cô. Em trông khác hẳn, nai nịt gọn gàng, đầu đội cái mũ lưỡi trai tròn đã cũ, đeo bình nước chéo ngực, như sắp sửa đi dã ngoại. Mẹ em nói cảm ơn cô với bà bấy lâu nay cưu mang cháu, nhưng nhà túng quá, phải cho cháu làm gì thêm. Bà hỏi thế nào là làm gì thêm, em non nớt bảo: "Con đi bán vé số!". Cô nhìn em mà thương quá, em của cô sẽ đi giữa chang chang trưa nắng, la cà trong mấy hàng ăn giống những đứa nhỏ bán vé số cô vẫn thấy, đấy là chưa kể đến chuyện tranh giành khách, trông em hiền thế thể nào cũng bị giật bình nước, ném mũ, tát tai... Cô mới nghĩ đến đấy đã rùng mình. Cô nói mẹ em chịu khó vào phòng cho cô nói chuyện riêng một chút. Mẹ em vào phòng cô, nhìn tò mò những hộp phấn, những lọ nước hoa. Cô hỏi mẹ em nếu đi bán vé số thì phụ được bao nhiêu, mẹ em nói có thể đủ tiền chợ. Cô nghĩ lại càng thương, em bé xíu thế này mà đã phải lo tiền chợ. Cô nói mẹ em để cô lo tiền chợ hộ em được không, còn xấp vé số chiều nay cô sẽ nói bà mua hết cho, cô tin cô là con một, nói gì bà cũng chịu.



Rốt cuộc, em lại được về nhà cô tuần ba buổi. Bà thương em hơn sau một lần suýt nữa bị mất em. Tập vé số chiều hôm đó, bà trúng giải thấp nhất. Bà mua con heo đất bỏ vào hết cho em, bà định bỏ heo dần dần, khi em hết cấp I, em sẽ đập heo mua xe đạp nào em thích. Cô thì nghĩ chắc đến đấy em cũng chưa cao được bao nhiêu, (cứ nhìn anh của em thì cô biết), cô nghĩ em đi xe mini an toàn hơn. Bà lại bảo chắc em không chịu đâu vì xe mini xe của con gái...



Lớp Ba kết thúc, em tổng kết lại vẫn nhất lớp. Cô nghe vài phụ huynh xì xào cô nâng đỡ, thêm điểm em. Oan cho cô vì thật ra càng ngày cô càng khắt khe với em. Cô bắt em học bài phải làu làu, cô bắt em làm thêm toán khó, em viết chính tả sai một tý cô cũng cau mày... cô sợ sau này em đi lớp khác, qua cấp khác, đâu phải ai cũng thương em như cô, chừng đó những gì cô chiều em sẽ hại em, người ta sẽ phủi công em: "Thấy chưa, đúng ra có thông minh gì đâu!". Mà cô biết, em thông minh, và tình cảm.



Ðúng ngày phát thưởng, hai cô trò mình đang vui, thì mẹ em lại nói định cho em làm con nuôi ông cụ gần nhà. Ông cụ lâu nay sống bằng tiền con cái ở nước ngoài. Ông chưa yếu lắm, nhưng những việc quét vườn, rửa chén, lau nhà, giặt áo... (nhiều lắm, cô không nhớ hết) thì ông đau khớp, ông không làm được. Em qua đó ở sẽ được cơm ba bữa, một tháng vài trăm (hơn hẳn số tiền cô vẫn đưa). Cô vội hỏi thế sao mẹ em không xin ông cụ để mẹ em làm những việc ấy, còn tiền chợ cô hứa vẫn đưa, cần thì cô nuôi em ba bữa cơm. Mẹ em lúng túng nói: "Không được! Tui phải ở nhà làm công chuyện!". Cô bắt đầu nghi ngờ mẹ em, có cái gì đó vô lý trong sự tính toán này. Cuối cùng, cô hỏi ông cụ trả bao nhiêu... Và thế là em bắt đầu ăn cơm đều đặn ở nhà cô, mẹ em có thêm vài trăm. Bà thì vẫn thương em nhưng đã bắt đầu khó chịu. Bà nói: "Sẽ còn nhiều trò!".



Tội nghiệp, em chẳng biết gì. Em nhổ tóc sâu cho bà. Trẻ con trong xóm cô đã biết nhắn bà, chút nữa em đến kêu em ra ném lon. Ngày nào em đi chơi với anh em, bà đi ra đi vào: "Tối nó có về ăn cơm không?" Cô lại phải qua đón em sang. Em sang, líu tíu kể bà nghe hôm nay đua xe, xem khỉ... Rồi em ngủ gật, bà sợ chở về em ngồi sau xe, ngã; lại bắt cô sang xin mẹ em cho em ngủ lại một đêm... Ba tháng hè trôi qua, em có cao hơn, cô đã nghĩ với tốc độ này, lớp Sáu em không cần chạy mini; Bà đi mua cho em cái cặp mới, bình nước mới để vào lớp Bốn... Ðang náo nức đi học như thế, mẹ em bảo cô: cả nhà phải về quê. Bà dặn: "Con cứ lì ra đi, bảo về thì cứ về, xem mụ ấy muốn gì". Cô cũng nghe theo lời bà. Mẹ em nói muốn mời cơm bà và cô, sợ sau này không bao giờ gặp lại. Bà ra hiệu cô cứ bình tĩnh. Cô lại bình tĩnh nhận lời. Tối đó, cô tra hỏi, em bảo tại ông chủ đòi nhà. Em vừa nói vừa nghịch con mèo, em nom nớt như khi kể về bố em tự tử, em nghĩ về quê còn nhẹ hơn đổi lớp. Em bảo, mẹ em đã mua mấy cái bao để đựng đồ... Cô hỏi bà, thế là sao? Bà nói chắc chuyện này có thật, nhưng đợi đến bữa cơm với mẹ em tính tiếp. Cô không chịu được, lén qua hỏi trước, mẹ em nói không có tiền thuê nhà, rồi nhìn thẳng mắt cô. Cô không dám nhìn thẳng mẹ em như những lần trước, cô biết lần này cô thua. Cô nghĩ mãi, rồi rụt rè xin nhận nuôi em. Mẹ em nói, không, em phải ở cạnh gia đình. Cô lủi thủi ra về, xin chở em sang ăn cơm, mẹ em cũng chối từ, nói em phụ dọn nhà, xếp quần áo.



Hôm ấy, cô đưa em ra bến xe. Bà không dám đi, bà sợ người già hay khóc. Trên xe, em được ngồi gần cửa sổ. Học trò cưng của cô mặc áo còn đeo phù hiệu của trường. Cô nắm bàn tay em, từ trước đến giờ, cô nhớ ra, cô chưa bao giờ nắm tay em. Bàn tay em ấm và khô, nhỏ xíu...

Nội Quy Comment cho bài viết :
Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể Nhận xét bằng cách chọn Tên/URL không nên Ẩn danh. Với Tên/URL bạn có thể bỏ trống URL

:) :( :)) :(( =))