banner

Nhật ký Đặng Thùy Trâm: tháng 4 năm 1968 (Phần 2/3)

Posted by Admin On Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

15-04-1968

Không khí im lặng của buổi trưa trùm lấy khu rừng, nghe San đau mình lên

thăm anh. Cả phòng cùng đang yên ngủ, kể cả người bệnh nhân mình định

thăm. Không muốn làm thức giấc San mình rón rén trở ra nhưng tiếng San

khẽ rên làm mình trỏ lại, anh cười bẽn lẽn với mình, anh không đau nhưng có

lẽ muốn gặp mình. Cả ngày hôm nay mình bận, câu chuyện không phải là

chuyện bệnh tật mà anh lại hỏi: “Hôm nay đúng là ngày chị về Đức Phổ phải

không?”

- Vừa tròn một năm San à!

Mình tra lời mà không khỏi ngạc nhiên vì câu hỏi của San, muốn ngồi nói

chuyện với San vì cả một năm qua, một năm chiến đấu gian lao vất vả nhưng

rất đáng tự hào trên mảnh đất quê San nhưng mình cảm thấy khó nói. Có

nghĩa lý gì đâu những việc mình làm so với San, với tất cả bà con Đức Phổ

đã kiên cường chiến đấu suốt hai mươi năm ròng. Còn nói với San về nỗi

nhớ thương với gia đình trong những ngày xa cách lại càng vô lý hơn. Sang

chỉ còn một người mẹ già, mẹ San đã đồng ý cho người con duy nhất của bà

đi bộ đội. Cha San chết từ lúc mẹ anh mới 22 tuổi đầu, người vợ trẻ ấy đã hy

sinh cả tuổi xuân của mình ở vậy nuôi San cho đến khi anh được 19 tuổi thì

cho anh đi bộ đội. Năm năm qua vào sinh ra tử San vẫn còn sống, vừa mới

cách đây một tháng địch tập kích vào vị trí; San đã thoát khỏi nanh vuốt của

kẻ thù, gần mười lăm đồng chí của anh hy sinh. Chỉ một xíu nữa thôi, có khó

khăn gì đâu, San cũng đã ngã xuống dưới chân hòn núi Cửa ấy rồi. Lúc đó

dù mẹ San có khi còn nước mắt cũng không bao giờ có được một đứa con

như San nữa. Vậy mà hôm nay San đến đây với mình có lẽ nào mình lại để

thần chết cướp đi người con yêu quý của một bà mẹ đang lo âu, hy vọng tất

cả vì đứa con duy nhất ấy. Không bao giờ đâu! Mình sẽ phải cố hết sức mình

vì San cũng như vì tất cả những người bệnh nhân! Đó chẳng là niềm tự hào

của một người thầy thuốc đó sao?

Nhận thư và quà của Vân, thương Vân làm sao. Cuộc đời Vân sao đủ mọi

đắng cay, những đắng cay mà một người như Vân lẽ ra không bao giờ phải

chịu.Vân sống giầu lòng vị tha, giàu niềm hi vọng, giàu tình cảm. Phải đền

đáp cho Vân những điều đó chứ, cớ sao cuộc đời cứ giành cho Vân toàn

những sự rủi ro? Đã thấy được điều đó mình phải có trách nhiệm. Phải đem

lại cho Vân niềm vui, tin tưởng bằng những hành động cụ thể.



17-04-1968

Chia tay anh Kỳ và chị Phượng. Sống với nhau cả một năm tròn hôm nay

mình mới hiểu hết tình thương của những người thân thiết đó.

Đêm đã khuya sau buổi liên hoan anh Kỳ sang phòng mình chơi. Hai anh em

chẳng biết nói gì, quyển vở để trước mặt, cây bút cầm trong tay mà những

dòng chữ dưới ngòi viết đều vô nghĩa. Thời gian còn rất ít anh cần nói cần

viết những chuyện quan trọng. Vậy mà sao anh làm thinh hở anh. Phải chăng

anh muốn nói với em bằng đôi mắt đỏ vì thức khuya bao đêm ròng, bặng nụ

cười buồn rười rượi trên khuôn mặt gầy ốm của anh không? Anh ôm mình

trong đôi tay mảnh khảnh, hành động đó rất bình thường với anh nhưng hôm

nay sao làm mình cảm động. Trưa nay anh đi rồi, tiễn anh ra đến suối mình

bần thần trở về thấy mảnh giấy lưu niệm anh gửi cho Liên, mấy dòng chữ

ngắn ngủi. Trong đó anh có dặn: “Em và Trâm phải thương nhau CHÂN

THẬT. Trâm vào đây xa gia dình chỉ có bạn bè” Anh Kỳ ơi, cảm ơn anh, em

không bao giờ quên tấm tình của anh đối với em đâu!

Và buổi cuối cùng nằm trong cánh tay của chị Phượng, nghe những lời dặn

lại mình lặng yên không nói, những giọt nước mắt âm ấm chảy dài trên mặt

mình và rơi sang mặt chị, chị ơi! Đến hôm nay em vẫn chưa là một Đảng

viên, buồn đến vô cùng.



22-04-1968

Hường ơi! Hường đã chết rồi sao, mình nghe tin mà bàng hoàng như trong

cơn ác mộng. Bao giờ cho hết nhưng nỗi đau xót này – nay một người ngã

xuống, mai lại một người ngã xuống. Xương máu đã chết cao như ngọn núi

căm thù sừng sững trước mắt chúng ta – Bao giờ! Bao giờ và bao giờ hỡi

các đồng chí? Bao giờ mới đuổi hết lũ quân uống máu người không tanh ấy

khỏi đất nước chúng ta.

Vậy là hết, những đêm dài rì rầm tâm sự bên nhau không bao giờ có nữa.

Bên tai mình còn nghe rõ giọng Hường trầm trầm tình cảm, Hường khen ngợi

động viên mình, ca ngợi mối tình thuỷ chung của mình. Vậy là hết, những

buổi sáng cùng nhau tắm dưới suối nước, cùng nhau ăn một chén chè. Mình

bỗng nhớ một hôm nào gặp Hường bên bờ suối ở Nghĩa Hành. Hường ôm

mình trong tay hôn lên mái tóc lên má mình và cả hai cung rưng rưng nước

mắt.

Nhìn chú Công vẫn bình thản không hay biết gì về tin sét đánh ấy mình xót xa

như ai xát muối trong ruột - mất một đứa con như Hường còn đau hơn mất

cả một khúc ruột. Chú ơi, hãy nén đau thương lại đi chú, nếu như chú biết tin

này! Và anh Quang- người con trai đã thuỷ chung chờ đợi Hường trong bao

nhiêu năm nay cũng không bao giờ thực hiện được mơ ước nữa, Hường của

anh đã vĩnh viễn nằm yên dưới đất quê hương anh rồi.

Một ngày mệt nhọc vô cùng – ba ca thương nặng vào một lúc - suốt một ngày

đứng bên bàn mổ, đầu óc căng thẳng vì những vết thương, vì tiếng khóc xé

ruột xé lòng của chú Công (cha Hường) và vì những tin buồn dồn dập.

Đường đã bị bắt sống trên đường công tác, cậu bé sôi nổi nhiệt tình ấy

không hiểu có chịu nổi những đòn tra tấn của quân thù hay không – Thương

Đường vô hạn. Lá thư viết gửi Đường vậy là chưa đến nơi, người cầm thư

đã chết và người nhận thư thì bị bắt!! Một giọn hát buồn từ đâu văng vẳng

bên tai mình “Lòng mẹ bao la như biển thái bình rạt rào. Lời ru êm ái như

dòng suối biển ngọt ngào”. Lời hát của Đường trong buổi tối hôm xưa hay là

lời than đau xót của Đường trong ngục tối lúc mà Đường nghĩ đến người mẹ

già đã suốt đời cặm cụi nuôi con, đặt tất cả niềm vui, hy vọng vào đứa con

cưng ấy không?

Biết bao nhiêu bà mẹ như mẹ Đường đã còn đau khổ khóc than đến cạn

dòng nước mắt – ôi nếu mình ngã xuống, má mình cũng sẽ như bà mẹ ấy

thôi, cũng sẽ là một bà mẹ suốt đời hy sinh vì con để rồi mãi mãi đau xót vì

con mình đã ngã xuống nơi chiến trường khói lửa mẹ ơi! Con biết nói sao khi

lòng con thương mẹ trăm nghìn triệu mà cũng đành xa mẹ ra đi. Quân thù

còn đó, bao nhiêu bà mẹ còn mất con, bao nhiêu người chồng mất vợ - đau

xót vô cùng.

Nội Quy Comment cho bài viết :
Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể Nhận xét bằng cách chọn Tên/URL không nên Ẩn danh. Với Tên/URL bạn có thể bỏ trống URL

:) :( :)) :(( =))