banner

Nhật ký Đặng Thùy Trâm: tháng 5 năm 1968 (Phần 2/3)

Posted by Admin On Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

13-05-1968

Hội nghị Paris khai mạc, đây lại là những ngày tháng 5 của 1954 đây chăng.

Mình hồi hộp theo dõi tin tức, biết chắc chắn rằng thắng lợi có được trong hội

nghị phải do thắng lợi trên chiến trường quyết định. Vậy thì hãy chuẩn bị tinh

thần bước vào một đợt chiến đấu quyết liệt cuối cùng rồi sau đó ai còn ai mất

hãy hay. Dù còn dù mất cũng là những ngày vui bất tận khi hoà bình chân

chính trở lại trên đất nước chúng ta. Hơn 20 năm rồi khói lửa đau thương vẫn

trùm lên giải đất hiền lành. Nước mắt chúng ta chảy nhiều rồi, xương máu

cũng đổ nhiều rồi. Chúng ta có tiếc gì đâu để đổi lấy độc lập tự do.



14-05-1968

Một dòng chữ ghi trên chiếc bàn: “Chị Trâm thương nhớ của em” dòng chữ

của Sang. Một chuyện giản đơn thôi mà mình cảm động. Tình thương với

Sang ngày càng thắm thiết. có lần ngồi nói chuyện với Sang, hai chị em (chị

mà nhỏ tuổi hơn em) cãi nhau vì chuyện nếu phải chết thì ai nên chết. Mình

nhường cho Sang sống bởi vì đời Sang chưa hề hưởng sung sướng, bởi vì

Sang là đứa con duy nhất của một người mẹ goá đã ở vậy nuôi con từ 21

tuổi đến giờ. Vậy mà Sang cứ khăng khăng rằng mình phải sống, phải trở về

với mẹ, với em, với miền Bắc thân yêu đang trông đợi mình về. Rõ vớ vẩn,

chuyện không đâu vào đâu cả nhưng sao hai chi em đều cảm thấy thương

nhau hơn. Mình muốn đối với Sang bằng tình thương chân thực trong lành

mà e rằng có ai hiểu lệch vấn đề đi không? Sang năm nay hơn mình ba tuổi,

đã có vợ và con năm tuổi!



17-05-1968

Chiến tranh còn tiếp diễn, chết chóc vẫn diễn ra hàng ngày, từng giờ từng

phút, dễ như trở bàn tay vậy. Mới tối hôm qua Thìn và anh Sơn còn cùng bọn

mình trò chuyện. Thìn còn dặn Lệ mua vải may áo, hôm nay hai người ấy chỉ

còn là hai cái xác nằm dưới nấm đất của đất Đức Phổ mà lần đầu họ đặt

chân đến ấy rồi. Chết quá dễ dàng, không có cách nào đề phòng được

nhưng tổn thất ấy cả, buồn làm sao.

Liên nói vậy mà đúng: hãy sống với nhau bằng tình thương chân thành đi, rồi

hối hận khi bạ mình đã chết mới nghĩ rằng hồi còn sống đã không thương

yêu đùm bọc lẫn nhau. Riêng mình sẽ làm như vậy, mà thực ra xưa nay mình

vẫn giàu tình thương với tất cả mọi người. Một tình yêu rộng rãi nhưng rất đỗi

chân thành. Tất cả bệnh nhân trong bệnh xa này trong những lúc đau ốm

nặng. Mình đều đến với họ bằng tinh thần trách nhiệm, bằng tình thương

thắm thiết đó cho nên dù xa lạ bao nhiêu rồi cũng thấy rằng có một caáigiìbắn

bó với người thầy thuốc mà họ thấy rất gần với họ ấy. Họ gọi mình bằng hai

tiếng “Chị Hai”, họ xưng em mặc dù lớn tuổi hơn mình và họ vui đùa, làm

nũng với mình nữa. Giữa những ngày gian khổ ác liệt này, mình đã tìm lấy

niềm vui, sự an ủi nơi họ. Còn riêng tư, không Thuỳ ơi, đừng nghĩ nữa, hãy

gạt đi những áng mây đang nhóm lên ở cuối góc trời, đừng để nó nổi cơn

phong ba bão táp giữa tâm hồn Thuỳ nhé.



20-05-1968

Tiễn chân những bệnh nhân lên đường trở về đội ngũ chiến đấu lẽ ra chỉ là

niềm vui vậy mà cả người đi lẫn người ở lại buồn thấm thía. Hơn một tháng

nằm tại bệnh xá những người bệnh nhân ấy đã gắn bó với mình không phải

chỉ là tình thương giữa người thầy thuốc với bệnh nhân mà trong tình cảm ấy

có nỗi cảm thông sâu sắc giữa những người bạn. Hôm nay họ đi rồi, người ra

đi còn nhớ chăng những đêm dài trò chuyện mỗi lần mình đi trực, nhớ chăng

những buổi cả cơ quan đi cõng gạo, họ đã cùng mình xử trí một ca thương,

họ làm như những nhân viên thực thụ, đêm đến trong ánh đèn dầu họ ngồi hí

hoáy lau dụng cụ… những ngày ấy vui sao! Bao giờ gặp lại nhau và có còn

được gặp lại nhau không hở những người bạn mến thương?

Nội Quy Comment cho bài viết :
Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể Nhận xét bằng cách chọn Tên/URL không nên Ẩn danh. Với Tên/URL bạn có thể bỏ trống URL

:) :( :)) :(( =))