20-07-1968
Những ngày bận rộn công tác dồn dập, thương nặng, người ít, mọi người trong bệnh xá đều hết sức vất vả. Riêng mình trách nhiệm càng nặng nề hơn bao giờ hết, mỗi ngày làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya khôi lượng công việc quá lớn mà người không có nên một mình mình vừa phụ
trách bệnh xá vừa lo điều trị, vừa giảng dạy. Vô cùng vất vả cũng còn nhiều khó khăn trong công việc nhưng hơn bao giờ hết mình cảm thấy rằng mình đã đem hết tài năng, sức lực của mình để cống hiến cho cách mạng. Đôi mắt người thương binh hôm nào đau nhức tưởng chừng như phải bỏ, hôm nay cũng đã sáng lại một phần, cánh tay anh bộ đội sưng phù đe doạ chảy máu bây giờ cũng đã lành lặn. Những cánh tay xương gãy rồi cũng liền lại… đó chính là sức lực của mình và những người y tá đêm ngày lăn lộn trong công tác bên giường bệnh.
Và rồi những học sinh mình cũng đã đem lại những điều quý giá trong lý luận về y học. Mình đến lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà bằng cả tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao nhiêu thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được. Thương biết mấy những Thuận, những Liên, những Luân, Xuân, Nghĩa mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều rất giống nhau: rất ham học, rất cố gắng để đạt mức hiểu biết cao nhất, Thuận mới vừa khóc cha chết, hai chiếc tang còn đè nặng trên ngực nhưng nụ cười đã trở lại trên đôi môi nhợt nhạt. Thuận đã hát, đã cười đã sôi nổi thảo luận, nhìn Thuận mình biết bao mến thương và cảm phục..
Liên vừa lo học vừa lo làm việc trong bệnh xá, Liên lăn lộn trong mọi công việc từ sớm đến tối như một con chim nhanh nhẹn vui cười đi đầu trong mọi gian khổ. Đó cũng là một hình ảnh mà mình cần học tập. Kể làm sao cho hết những người anh hùng vô danh mà mảnh đất miền Nam đau thương khói lửa này đã tạo nên họ. Cho nên được tham gia vào cuộc cách mạng miền Nam quả là một điều vinh dự lớn đối với mình.
25-07-1968
Một buổi ngồi bên giường bệnh của Lâm, Lâm bị một mảnh đạn cối cá nhân xuyên vào tủy sống, mảnh đạn ác nghiệt đã giết chết một nửa người Lâm. Từ ½ ngực trở xuống Lâm hoàn toàn bại liệt, lở loét và biết bao nhiêu đau đớn hành hạ Lâm.
Lâm năm nay 24 tuổi, là một cá bộ y tế xuất sắc của Phổ Văn, ban dân y huyện mới rút Lâm về bổ sung chưa được một tháng, trong lần đi công tác vừa qua địch càn đến, Lâm xuống công sự nhưng khi tay anh vừa mở nắp công sự thì bọn Mỹ đã đến sát sau lưng, một mảnh đạn nhỏ đã giết hại đời Lâm một cách đau đớn. Lâm chưa chết, nhưng chỉ còn nằm để chờ chết, đứt tuỷ sống trong điều kiện miền Bắc còn bó tay nữa là ở đây. Lâm biết điều đó nên đau khổ vô cùng, chiều nay ngồi bên Lâm, Lâm đưa lá thư của Hạnh (người vợ trẻ của Lâm) cho mình coi rồi nói khẽ với mình:
“Chị ơi, các chị tận tình, gia đình tận tình nuôi em để làm gì, trước sau em cũng chết, em có sống cũng chỉ làm khổ các chị và gia đình mà thôi…”. Một giọt nước mắt lăn dài trên gò má gầy ốm của Lâm. Thương Lâm vô cùng mà chẳng biết nói sao nếu đặt mình vào hoàn cảnh của Lâm chắc mình cũng nói như vậy mà thôi. Nhưng không lẽ không động viên Lam. Ôi! Chiến tranh sao mà đáng căm thù đến vậy và đáng căm thù vô cùng là bọn quỷ hiếu chiến vì sao chúng lại thích đi tàn sát bắn giết những người dân hiền lành giản dị như chúng ta. Ví sao chúng đang tâm giết chết những thanh niên đang tha thiết yêu đời, đang sống và chiến đấu với bao nhiêu mơ ước như Lâm, như Lý, như Hường và nghìn vạn người khác nữa?
28-07-1968
Anh Khả bị bắt rồi! Buồn biết bao nhiêu, anh Khả mới hôm nào đó nắm tay Thùy thân thiết, bàn tay của người anh đồng hương, đồng nghiệp ấm nòng thân tình, mới hôm nào đó hai anh em lúi cúi bên bàn mổ, nét chữ anh còn in trên bệnh án hôm nay… anh đang nằm ở đâu? Trong một chiếc cùm nặng chĩu hay trong phòng tra tấn của một nhà giam nào. Buổi sáng ấy (20/07) anh ra đi, chắc anh không bao giờ nghĩ rằng anh sẽ sa vào tay giặc nên anh chào mọi người với nụ cười đùa vui, anh nắm tay mình nói khẽ “anh đi nghe Thuỳ” rồi đi xa mấy bước anh nói to hơn: “Độ mươi bữa nữa anh về, nhiều lắm là 15 bữa”. Anh Khả mến thương ơi, đến bây giờ Th. càng thấy quý anh, thương anh hơn bao giờ hết. Tình thương mộc mạc rất đỗi chân tình ấy có từ những buổi Thuỳ còn quàng chiếc khăn đỏ trên vai, từ những ngày anh còn là chú Khả. Nhớ anh, Thuỳ nhớ cả một chuỗi ngày êm ấm, ở đó có một căn nhà xinh có đôi mắt đen tròn của bé Kim… Có bao giờ gặp anh nữa không hở anh? Ba lô anh còn đây, mỗi khi nhìn thấy nó Thùy thấy đau nhói trong lòng.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm: tháng 7 năm 1968 (Phần 3/3)
Posted by Admin
On
Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010