16-08-1968
Buổi chiều hôm ấy 26-10-1967 mình rời Phổ Hiệp ra đi. Sân nhà Thường đông nghịt những người đến tiễn đưa mình. Xúc động làm mình lúng túng, chẳng biết nên làm gì mình ngồi xuống cạnh mẹ Thường, bốc củ bỏ vào thúng. Lúc ngẩng lên mình bỗng sửng sốt vì đôi mắt đang đăm đăm nhìn mình, đôi mắt đen to, rất hiền, long lanh nước mắt, đôi mắt nhìn mình buồn vô hạn và tràn ngập một tình thương yêu thiết tha đó là đôi mắt của Khiêm. Mình quen Khiêm trong những ngày ác liệt của mùa khô 1967 khi mình về công tác tại Phổ Khánh. Người giáo viên trẻ ấy đã đến với mình bằng cả tình thương mến và cảm phục rất chân thành. Tâm hồn những đứa đã qua thời học sinh có những nét dễ cảm thông nhau, những ngày nằm dưới công sự mình kể cho Khiêm nghe về Pavel, về Ruồi Trâu, về những bài thơ mình yêu thích:
Anh biết tên em thành liệt sỹ
Bên những hàng trà trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng
Khiêm cũng rất thích bài “Núi đôi”, “Quê hương” ...
Rồi Khiêm kể cho mình nghe vào cuộc đời học sinh vào tù ra tội của Khiêm. Khiêm đã ở tù 3 năm, đi khắp nhà lao tỉnh, Huế … Bọn giặc đánh đập nhiều làm Khiêm gầy yếu. Mới đầu chỉ là thương sau mình trở nên thân với Khiêm bằng một tình bạn rất đỗi trong trắng và chân thành. Công tác đồng bằng được một thời gian mình về căn cứ. Từ buổi xa Khiêm đên nay gần một năm rồi nhưng mình vẫn cảm thấy có một đôi mắt đen buồn, long lanh nước mắt đang nhìn mình trong buổi chia tay. Ai có ngờ lần chia tay đó lại là vĩnh viễn. Khiêm đã chết rồi! Trong một buổi đi càn, giặc Mỹ đã tìm thấy công sự của Khiêm chúng mở nắp công sự, Khiêm vọt lên, dùng quả lựu đạn duy nhất trong tay quăng vào lũ giặc. Bọn quỷ khát máu sợ hãi nằm rạp xuống, Khiêm chạy được một đoạn nhưng quả lựu đạn chó chết đã câm, bọn giặc chồm dậy đuổi theo Khiêm và bắn Khiêm ngã xuống. Lũ quỷ khát máu ùa đến băm nát người Khiêm. Khiêm chết rồi, đôi mắt đen dịu hiền giờ đây mở trừng căm giận. Mái tóc đen xanh của Khiêm giờ đây đẫm máu và bụi cát, những hạt cát của đất quê hương quyện vào mái tóc người thanh niên anh dũng. Chiếc áo màu xám giờ đây rách nát và loang lổ máu, chiếc áo ấy Khiêm đã mặc hôm đầu tiên gặp mình, cũng chiếc áo ấy Khiêm đã cùng Thuỳ len lỏi trên những con đường nhỏ hẹp đầy gai lưỡi hùm của 31,32,33 Quy Thiện, của 19-15 Chứ Trung Hải! Và cũng chiếc áo ấy một đêm trăng đep từ Phổ Khánh trở về, gió lạnh từ biển thổi vào làm Khiêm khẽ run, Thuỳ đã đưa chiếc áo len của Quế cho Khiêm mặc, trên nền áo xám giản dị nổi bật màu đỏ đậm đà như lời nói của Khiêm hôm ấy: “Thuỳ ơi! Trên đời này trừ ba má, Khiêm không thương ai hơn Thuỳ kể cả người yêu Khiêm” Khiêm đã hy sinh rôi! Nghe tin mình bàng hoàng không tin là sự thực. Khi đã chắc chắn, mình không khóc, có phần bình thản nữa, mình đã dùng nghị lực
khống chế nơi xúc động nhưng mỗi giây phút qua đi, mỗi đau thương mới lớn dần và giờ đây nước mắt mình ràn rựa, mình khóc một mình bên ngọn đèn khuya, những giọt nước mắt mằn mặn chảy dài trên mặt rồi rơi xuống lăng trên vạt áo mình. Khiêm ơi có cách nào nghe được lời Thuỳ nói một lần hay không? Hãy nghe đây lời hứa trả thù cho Khiêm, lời hứa bằng đau thương xe ruột, bằng căm thù bầm gan và lời hứa bằng cả thương nhớ không bao giờ phai nhạt nghe chăng Khiêm, người bạn bất tử trong lòng tôi!!
19-08-1968
Những buổi chiều như chiều nay, nắng vang yếu ớt đang xuyên qua khung cửa. Rừng cây im lặng... Cái nóng bỏng của cuộc chiến đấu ngoài kia không về đến đây chăng? Mình lặng yên lằng nghe tiếng rì rầm thảo luận của các nhóm học sinh đang ôn thi. Học sinh! Sao lòng mình tràn ngập mến thương đối với những người em ấy. Nhất là với Thuận, một cán bộ của lớp. Thuận ham học chăm làm, hồn nhiên và rất tế nhị. Điều cơ bản làm mình thương Thuận là hoàn cảnh đau xót của Thuận và cái nghị lực phi thương của Thuận. Hai chiếc tang còn trên ngực, mình còn thấy có những phút Thuận ngồi lặng yên một mình đăm đăm suy nghĩ và khẽ thở dài nhưng trước mặt mọi người và trong mọi lĩnh vực công tác Thuận luôn giữ được vẻ hăng hái sôi nổi, nhìn Thuận học và làm ít ai hiểu được những gì đã xảy ra với Thuận. Bỗng dưng mình so sánh Thuận với Nghĩa, đứa em trai nuôi của mình và thấy ở Thuận có những nét đáng yêu đáng quí như Nghĩa. Muốn xem Thuận như một đứa em để mình sưởi ấm cho cuộc sống tình cảm cô đơn đau xót của Thuận, mà có nên như vậy không nhỉ? Suy xét kỹ đi
Vĩnh biệt Khiêm, người bạn thân thương đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng Khiêm ơi! Thề sẽ trả thù cho Khiêm đến hơi thở cuối cùng
Nhật ký Đặng Thùy Trâm: tháng 8 năm 1968 (Phần 2/3)
Posted by Admin
On
Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010