22-10-1968
Chia tay Thuận, hai chị em đều cảm thấy khó nói mà cũng không thể nào nói được những điều đang làm xao xuyến cả tâm tình. Em đi, chị lo lắng dõi theo từng bước chân em, tiếng súng địch vẫn gầm gừ ở Phổ Cường, em đi, trăm nghìn nguy hiểm đang chờ em. Lám sao chị có thể yên lòng được. Còn chị ở lại, chị hiểu cái lặng im không nói nên lời của em, em đứng đó, tay cầm chặt dù mắt nhìn chị mà chẳng biết nói sao. Có nghĩ gì đâu một câu chào bởi vì nó khong thể nói hét được tình thương của em với chị. chị bỗng nhớ đến những câu nói của em trong những mẩu chuyện giữa hai chị em mình. Em nói rằng em cũng thương chị với tình thương hơn hết cả mọi người trên đời như trước đây Khiêm đã thương chị, em nói rằng hiện nay cuộc sống của em chỉ tập trung vào công tác và sao cho tròn tình thương đối với chị. Nghe em nói chị cảm động vô cùng, chị tin em nhưng dù sao chị vẫn tự hỏi: có sự thực nàm như vậy không nhỉ? Có lẽ nào chị được hưởng một tình thương sâu nặng như vậy của em không? Hay đó là phần thưởng cao quí của những người đi làm cách mạng? Chị bỗng hiểu vì sao người ta có thể hy sinh trọn đời cho cách mạng, trung thành tuyệt đối với cách mạng. Bời vì cách mạng đã rèn đúc nên những con người cao đẹp và đã gắn họ thành một khối bền vững gắn bó hơn bất cứ một vật gì trên đời này. Sống trong gia đình cách mạng có gì vinh dự hơn đâu?
23-10-1968
Sau những ngày mưa, trời trở lạnh. Trong cái lạnh đầu mùa hôm nay sao mình cảm thấy hơn bao giờ hết quí giá những giây phút xum họp với những người thân. Cuộc chiến đấu ngày càng đi vào gay go ác liệt. Biết bao giờ mơ ước đó mới thành sự thực hở tất cả những người thân yêu trên cả hai miền? Không bi quan chán nản mà đó chỉ là mơ ước chân chính của mình và cả 30 triệu nhân dân Việt Nam. Ước mơ nung nấu từ bao nhiêu năm nay đã chín mọng rồi! Những đêm dài, gió lạnh, tấm vải mùng không làm đủ ấm, mình thức giấc và thao thức nhớ thương trăm nghìn hình ảnh của những người thân yêu hiện lên trước mắt. Có một điều không hề thấy một mái tóc xoà trước trán và một đôi mắt đen biết nói hiện lên nữa. Đó có phải là một điều đáng trách hay không? Không! Thùy đâu phải là một người khô khan trong tình cảm, chỉ là tình chị em, bè bạn còn đủ làm rung động trái tim Thùy huống chi là một tình cảm nào cao quí hơn. Nhưng … mái tóc xoè đã che hết những gì đẹp đẽ trên vầng trán người bạn ấy, đôi mắt đen biết nói đã lặng im từ lâu rồi. Cho nên trách Thùy sao được hở người bạn cũ mà em từng nói chữ yêu thương?
24-10-1968
Một ca cancer dạ dày ở giai đoạn cuối. Với điều kiện thô sơ mình cũng đã mổ thăm dò nhưng rất tiếc rằng cancer đã sang giai đoạn di căn. Không thể làm gì hơn đành đóng ổ bụng lại và đau xót nhìn người bệnh nhân đi dần đến cái chết. Chiều nay, đứng bên giường bệnh anh, lòng mình đau như cắt. Anh nói với mình miệng cố cười mà những giọt nước mắt vẫn tràn trong đôi mắt của anh. “Tôi không oán trách gì đâu, biết chị và các đồng chí trong bệnh xa đã tận tình cứu chữa nhưng bệnh tôi không thể nào khỏi được. Thì đành vậy, nếu tôi còn ở đây thì rồi sẽ ra đồi sim an nghỉ với các đồng chí, nếu tôi về dưới đó thì cũng chỉ được nhìn ông bà già một lần nữa rồi cũng xuống đất thôi”.
Biết nói gì với anh đây, mình đứng im hổ thẹn và tủi cực vô cùng. Đành rằng dù ở đâu rồi cũng đành bó tay trước bệnh của anh nhưng còn có điều kiện để kéo dài thêm chút ít cuộc sống của anh. Còn ở đây mình như tên lính bại trận dơ hai tay để cho kẻ thù tước bỏ vũ khí của mình!
26-10-1968
Đừng bao giờ đòi hỏi quá nhiều dù trong mặt nào cũng vậy. Có cái gì không có hạn độ đâu hở Thùy. Vậy thì hãy nghĩ lại đi, đứng trên khách quan mà đánh giá cho hết, đặt mình vào trường hợp đó để thấy cho biết.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm: tháng 10 năm 1968 (Phần 3/3 )
Posted by Admin
On
Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011